Trong căn nhà gỗ không lớn nhưng ngăn nắp của Nam, một hàng giấy khen được đóng khung và treo thẳng thớm tại chỗ trang trọng nhất của gian nhà chính. Những giấy khen đó là thành quả của sự nỗ lực của Nam và chị gái. Giờ khi con cái đã vắng nhà cả, bố mẹ Nam lại “nhìn vật mà nhớ người” và thi thoảng lại “khoe” với hàng xóm đầy tự hào về các con mình.

 

Thật khó để tin rằng cậu bé Nam nhỏ thó, rụt rè ngày nào lại sắp sửa tốt nghiệp một trong những ngôi trường cấp ba danh tiếng nhất của tỉnh Điện Biên.

 

“Em biết gia cảnh mình đặc biệt”

 

Gia đình Nam là một gia đình người Thái thuộc hộ nghèo của xã L., huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Bố Nam dùng được thứ tiếng Kinh bập bẹ, còn mẹ chỉ có thể nói được tiếng Thái nên cả gia đình chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, đi đào củ khoai sắn trên đồi và nuôi một vài con gia súc nhỏ.

 

Giống như những hộ khác ở bản, nhà Nam không có nước máy hay nhà vệ sinh. Mỗi buổi sớm, bố em phải dậy đi gánh nước ở rất xa, nhưng cũng chỉ vừa đủ để làm nước uống và nấu nướng cho cả nhà. “Nước sau khi rửa rau thường được dùng lại để tắm. Chúng tôi cũng thường phải lên rừng để giải quyết vì nhà không có phòng vệ sinh” bố Nam, chú Thuấn, nhớ lại. Thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không đảm bảo khiến cho Nam và chị gái thường bị nổi mẩn đỏ và mãi vẫn còi cọc hơn các bạn.

 

Một ngày nọ khi đang cùng đám trẻ trong bản háo hức kéo đến nhà hàng xóm xem tivi, Nam như bị cuốn vào màn hình bởi hình ảnh các chú công an dũng cảm, oai phong bắt tội phạm và giữ trật tự an toàn cho mọi người. Và từ đó, em quyết định rằng mình sẽ cố gắng học hành để được khoác trên mình bộ đồng phục xanh “rất ngầu” đó và bắt kẻ xấu khi lớn lên.

 

Nhưng mong muốn đó của Nam bỗng chốc thật khó thực hiện. Bố Nam dính vào tệ nạn xã hội khiến cho tiền bạc trong nhà chẳng mấy cũng đội nón ra đi. Phải mất một vài năm để chú Thuấn có thể dứt ra được, nhưng từ đó chú cũng thành người có tiền án, và mục tiêu trở thành sĩ quan công an của của Nam như một giấc mơ viển vông.

 

“Ngày còn nhỏ, em đã biết gia cảnh mình đặc biệt. Khi nhìn hình ảnh các chú công an, bộ đội trên tivi, em đã mơ ước một ngày nào đó được mặc bộ đồng phục đó. Nhưng rồi em nghĩ bố em như vậy, chắc em không thể thi được đâu”, Nam kể lại.

 

Khi cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác được mở ra

 

Và rồi, World Vision Việt Nam tới thôn của Nam. Với trọng tâm cải thiện nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường của Tổ chức, trong ba năm, Nam và hơn 150 hộ có thu nhập thấp trên bảy thôn bản của xã L. đã được hỗ trợ xây nhà vệ sinh của riêng mình. Sau khi nước máy về tới bản của Nam, World Vision Việt Nam cũng thường tổ chức những buổi truyền thông về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường sống để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ em. Trong những năm qua, Tổ chức cũng đã tập huấn về vệ sinh cá nhân cho tất cả các trẻ từ lớp 1 đến lớp 9 trên địa bàn xã L. và vận động cải cách nước sạch thành công tại hai bản, nâng số người hưởng lợi từ chương trình lên tới 720 hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

 

Với nhà vệ sinh mới và hệ thống nước máy, chú Thuấn không còn phải đi gánh nước mỗi sáng nữa, Nam và chị gái dần dần cũng hết bị mẩn ngứa. Nhưng đó không phải là tất cả. Sau khi biết được hoàn cảnh gia đình Nam, World Vision Việt Nam đã đưa em vào Chương trình Bảo trợ Trẻ. Ngoài nhận được hộ trợ về tài chính và những lá thư khích lệ tinh thần từ người bảo trợ, Nam được tham gia vào những lớp bồi dưỡng kỹ năng mềm và các hoạt động ngoại khoá của Câu lạc bộ Trẻ em.

 

Ban đầu, Nam không quá hào hứng với những hoạt động này, nhất là khi nghĩ rằng dù có cố đến đâu thì mơ ước lớn nhất của em cũng chẳng thể nào thực hiện được. Nhưng rồi, Nam gặp chú Ánh, cộng tác viên của chương trình bảo trợ tại bản. Chú là người đã “kéo” Nam tham gia các buổi sinh hoạt câu lạc bộ và dạy các em những kỹ năng sống quan trọng, chẳng hạn như làm thế nào để đặt mục tiêu, để tập trung và tìm kiếm sự hỗ trợ.

 

Từ những bài giảng của chú Ánh, Nam thử bắt đầu tiếp cận và lên kế hoạch cho mục tiêu của mình một cách cụ thể.

 

Dần dần, Nam bắt đầu để tâm hơn vào những buổi sinh hoạt đó. Em thử tiếp cận ước mơ của mình theo như cách mà chú Ánh hướng dẫn: dò hỏi thông tin, tìm hiểu các yêu cầu tuyển sinh của trường sĩ quan và tự tìm đọc thông tin về các trường. Và đúng là trời không phụ lòng người. Sau thời gian tìm hiểu miệt mài, Nam phát hiện em có thể thi vào Trường Chính trị và trở thành một sĩ quan chính trị. Con đường này vẫn mở ra cho em một hướng đi trong quân đội, và hơn nữa sẽ đỡ đần được gánh nặng về kinh tế cho bố mẹ em rất nhiều khi học phí và sinh hoạt của em sẽ được nhà nước chu cấp.

 

Nỗ lực thầm lặng

 

Hiểu rằng Trường Sĩ quan Chính trị là một trong những trường khó vào bậc nhất, Nam lại nhớ về bài giảng của chú Ánh về đặt mục tiêu và lên kế hoạch từ sớm. Mỗi khi làm xong việc nhà, Nam lại tranh thủ học bài để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp ba. Nhờ vậy mà em đã trúng tuyển vào trường Phổ thông dân tộc nội trú - một trong những trường cấp ba tốt nhất của tỉnh. Khi các bạn đồng trang lứa chọn học ở gần gia đình để đỡ vất vả, Nam quyết tâm rời bản lên tỉnh học để có điều kiện học tập và chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi đại học.

 

Khi học xa nhà, Nam cố gắng tập trung học nhất có thể. Ngoài thời gian trên lớp, em thường lên thư viện tự đọc thêm sách và luyện giải các dạng bài mới. Nhờ vậy mà suốt những năm học cấp ba, Nam đều đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi”, “Học sinh Tiên tiến”. Thi thoảng, em cũng tự cho phép bản thân nghỉ ngơi và chơi thể thao cùng các bạn để nâng cao sức khoẻ và thư giãn đầu óc sau những giờ học tập chăm chỉ.

 

Khi về nhà, Nam thích được chơi đá bóng cùng các em nhỏ cùng bản tại tổ hợp nhà văn hoá – sân vui chơi do World Vision Việt Nam hỗ trợ xây dựng.

 

Cứ ngỡ rằng thời gian học cấp ba của Nam sẽ trôi qua bình yên như vậy cho đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng lên. Mặc dù trường đã chuyển sang hình thức dạy trực tuyến, Nam cũng không thể về lại bản vì nhà thiếu các điều kiện cơ bản để em có thể duy trì việc học. “Dịch bệnh khiến cho nhà em gặp khá nhiều khó khăn. Bố mẹ em không thể lên nương như bình thường, vì thế mà kinh tế gia đình bấp bênh lắm. Để có thể kiếm đủ 500 ngàn gửi lên cho em trang trải và đóng tiền mạng, bố mẹ đã phải tích cóp mãi. Vì không sõi tiếng nên bố mẹ em cũng không thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin để bảo vệ bản thân trong dịch bệnh. Lúc ấy, em học ở xa mà lòng không khỏi lo lắng”, Nam bồi hồi kể lại. “Nhưng rồi mỗi khi em gọi điện về, bố mẹ vẫn mạnh khoẻ. Mẹ em kể rằng các cô chú bên Tầm nhìn hay đến để phát nước rửa tay, khẩu trang và các vật dụng y tế, và còn hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân và phòng dịch nữa. Nhờ vậy mà em cũng đỡ lo lắng hơn và chuyên tâm ôn thi”.

 

Trong thời gian khó khăn này, Nam cũng nhận được sự khích lệ rất lớn từ người bảo trợ để tiếp tục cố gắng. “Bác ấy luôn hỏi thăm em và khiến em cảm thấy được an ủi rất nhiều Ngoài bố mẹ em, bác ấy là người hiểu rõ về ước mơ và các dự định tương lai của em và sẵn sàng động viên em bất cứ lúc nào. Bác ấy giống như một người bạn tốt ở một nơi xa, luôn luôn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của em”, Nam chia sẻ.

 

Không ngừng tiến về phía trước

 

Sau khi hoàn thành xong kỳ thi THPT Quốc gia, Nam đã trở về bản để chờ kết quả. “Em rất tự tin rằng mình sẽ đỗ tốt nghiệp”, Nam nói chắc nịch. Tính tình vốn trầm lặng, Nam thường bày tỏ sự quan tâm của mình bằng cách cố gắng giúp đỡ bố mẹ nhiều nhất có thể. Vì thế mà cứ mỗi khi em về nghỉ, nhà không bao giờ thiếu củi, bò luôn được ăn no cỏ, và cơm canh nóng hổi luôn chờ sẵn cô chú Thuấn làm nương trở về. “Nếu không đỗ năm nay, em sẽ ôn tập tiếp để năm sau thi lại. Em quyết sẽ vào được Trường Sĩ quan Chính trị để sau này trở thành một người có ích cho cộng đồng và là chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ em khi về già”, Nam nói như đang tự hứa với chính mình.

 

Sau bữa trưa là thời gian yêu thích của Nam vì cả gia đình sẽ quây quần tại phòng khách để nghỉ ngơi và trò chuyện.

 

Tay vuốt ve đàn bò một cách trìu mến, chú Thuấn tâm sự: “Số bò này là của để dành khi gia đình có việc gấp. Sau này nếu Nam đi học có thiếu thốn, tôi cũng sẽ bán hết để trang trải cuộc sống xa nhà của con. Tôi muốn Nam toàn tâm toàn ý tập trung học hành. Nhờ có World Vision Việt Nam mà con trai được học ngoại khoá, học kỹ năng sống. Chứ như thời xưa, lũ trẻ con được đi học cái chữ đã là tốt lắm rồi”, chú Thuấn nhìn lại. “Tôi mong là Nam được tự do theo đuổi nghề mà cháu thích. Cháu học ở đâu cũng được, tôi đều ủng hộ… nhưng đừng quên làng bản là được”, chú Thuấn nói với giọng bùi ngùi.

 

Những nỗ lực và can thiệp của World Vision Việt Nam tại Điện Biên Đông đang góp phần tạo ra những thay đổi tích cực đối với các em nhỏ như Nam. Ngoài những hỗ trợ về tài chính và sinh kế, trẻ em dễ bị tổn thương và gia đình các em còn được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chủ động thay đổi điều kiện sống và nắm bắt những cơ hội cho một tương lai tươi đẹp hơn.

0.12190 sec| 2263.484 kb