“Hồi đó, gia đình em nghèo lắm, có những lúc không có đủ cơm ăn áo mặc. Do nhà không có tiền nên các chị em phải sớm nghỉ học ở nhà để phụ giúp gia đình” giọng Hà Văn Sinh trùng xuống khi nhớ lại những ngày tháng cơ cực của gia đình hồi em còn nhỏ.

 

Là con trai út và duy nhất trong năm chị em, từ bé Sinh đã hiểu gia đình mình là một trong những hộ khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái khi lần lượt chị cả, chị hai rồi chị ba của em phải nghỉ học. Với những đứa trẻ bỏ ngang việc học ở đây, các em hầu như chỉ có lựa chọn: làm nương rẫy cùng bố mẹ hoặc bị gả cho nhà khác. Thế là đỡ được một miệng ăn trong nhà.

 

Trạm Tấu là huyện miền núi có nhiều xã khó khăn với phần đông các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình hiểm trở, thiếu các hạ tầng sinh hoạt cơ bản như điện, nước cùng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên gây ra các đợt mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng càng làm cho cuộc sống của những hộ nghèo như gia đình Sinh thêm khốn khó.

 

“Ngày ấy, em chỉ mong bố mẹ bớt vất vả, gia đình sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo mà thôi” Sinh nhìn lại.

 

Sự giúp đỡ từ những người bạn phương xa

 

Biết được hoàn cảnh của Sinh, Tổ chức World Vision Việt Nam đã đưa em vào chương trình Bảo trợ năm em vào lớp một. Kể từ đó, hàng tháng Sinh đều nhận được thư từ cô Barbara, người bảo trợ của em từ Áo. Và cũng chính từ đây, Sinh biết rằng còn có nhiều người khác, ngoài bố mẹ và các chị, quan tâm, chăm sóc cho em.

 

Ảnh 1: Cậu bé Sinh (7 tuổi) khi mới tham gia Chương trình Bảo trợ.

 

“Em vẫn còn nhớ mình vui thế nào khi nhận được thư của cô Barbara. Cô thường hỏi thăm sức khoẻ, tình hình học tập của em, và kể về cuộc sống và gia đình của cô bên Áo. Thi thoảng, em còn nhận được những tấm hình chụp phong cảnh đất nước và gia đình cô. Em còn nhớ, cô Barbara có con trai trạc tuổi em tên là Maris. Cậu ấy thường gửi cho em những món quà nho nhỏ: khi thì quả bóng bay, khi thì bút sáp màu, hình dán. Lúc đó, em thực sự cảm thấy mình như một thành viên trong gia đình cô Barbara vậy”, Sinh chia sẻ.

 

Là một phần trong những nỗ lực của World Vision Việt Nam nhằm cải thiện một cách toàn diện chất lượng cuộc sống của trẻ bảo trợ, gia đình Sinh đã được hỗ trợ hai con lợn nái. Ngoài ra, bố mẹ Sinh còn được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng chăn nuôi. Nhờ được chăm sóc chu đáo và đúng phương pháp, sau vài tháng, hai con lợn nái đã sinh được 16 chú lợn con khoẻ mạnh. Sau khi bán lợn và có thêm một khoản tiền nhỏ giúp trang trải cuộc sống, bố mẹ Sinh giữ lại năm chú lợn để tiếp tục chăn nuôi và nâng cao sản xuất. Dần dần, kinh tế gia đình khá hơn, Sinh và các chị của em cũng được mặc ấm và ăn những bữa ăn có đủ thịt cá thường xuyên hơn. Sau nhiều nỗ lực, gia đình em cũng tiết kiệm đủ tiền mua được một chiếc máy xát thóc để chủ động công việc đồng áng và giúp đỡ bà con trong xã, đồng thời có thêm cám gạo sạch để chăn nuôi lợn.

 

Thành quả của nỗ lực và sự chiến thắng bản thân

 

Đói nghèo không phải là nỗi lo duy nhất đe doạ đến sự phát triển an toàn và quyền được học tập của trẻ em tại Trạm Tấu. Chính những quan niệm và tập tục lạc hậu tồn tại qua nhiều thế hệ là yếu tố quan trọng làm chậm nỗ lực thoát nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tảo hôn chính là một trong số đó.  

 

Khi cái nghèo bủa vây, việc lo ăn từng bữa cho cả gia đình cũng trở thành gánh nặng. Vì thế mà nhiều gia đình không ngần ngại gả con em mình đi từ sớm để bớt miệng ăn hoặc thêm nhân công làm việc trong nhà. Khi thấy bạn bè và họ hàng xung quanh sớm lập gia đình, Sinh cũng nghĩ đơn giản: “Có lẽ mình cũng sẽ học hết lớp 9 rồi nghỉ học để về lấy vợ sinh con và làm nương đỡ đần bố mẹ”.

 

Từ khi trở thành trẻ bảo trợ, được tham gia vào các chương trình, hoạt động của World Vision Việt Nam, Sinh được tiếp cận và tìm hiểu thêm về nhiều chủ đề liên quan đến cuộc sống, sự an toàn, và phát triển của trẻ em. Em được trang bị kiến thức, thông tin và kỹ năng cần thiết để nhận biết các nguy cơ bạo lực, đồng thời bảo vệ bản thân và bạn bè xung quanh trước các nguy cơ đó. Cũng chính trong quá trình này mà Sinh đã được biết đến khái niệm “tảo hôn” và những hệ luỵ lâu dài mà tập tục này để lại trên đời sống và sự phát triển của quê hương em.

 

Ban đầu, Sinh không quá chú tâm vào những lớp học này, nhưng dần dần các thông tin bắt đầu lưu lại trong tâm trí. Em không còn nghĩ nhiều đến việc lấy vợ nữa. Từ những bức thư và ảnh cô Barbara gửi, Sinh tưởng tượng về cuộc sống bên kia bán cầu và mơ màng nghĩ tới viễn cảnh nơi em có một công việc với thu nhập ổn định, không phải lên nương rẫy hàng ngày.

 

“Em nhận ra rằng con đường duy nhất để thoát nghèo chính là cố gắng học và tìm một công việc ổn định. Đây là cách tốt nhất để em có thể phụ giúp gia đình mình”, Sinh kể lại. Xác định được mục tiêu của mình, Sinh hạ quyết tâm tốt nghiệp THPT. “Em bắt đầu khá muộn nên không có nền tảng kiến thức tốt như các bạn khác, và nhiều cô chú trong họ cũng không ủng hộ quyết định của em. Nhưng em đã học hành chăm chỉ và chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ thầy cô, bạn bè để có thể theo kịp. Và hơn nữa, em có sự đồng hành lớn từ gia đình.”

 

Ảnh 2: Sinh (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh tốt nghiệp THPT cùng các bạn.

 

Có được tấm bằng THPT trong tay, Sinh đưa ra một quyết định táo bạo: rời nhà để đi học nghề sửa điện thoại tại một cửa tiệm trên thành phố. Lên thành phố học một mình, lắm lúc Sinh thấy nhớ nhà và hoang mang về lựa chọn của mình, nhưng em nhanh chóng tự động viên bản thân để vượt qua. Sau một năm, Sinh trở về nhà và xin được việc tại một cửa hàng bán đồ gia dụng địa phương. Nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ thu nhập của Sinh và quá trình chăn nuôi diễn ra hiệu quả, đời sống gia đình em đã ngày một cải thiện, trở thanh tấm gương thoát nghèo cho các hộ gia đình khác noi theo.

 

“Trả ơn” cộng đồng

 

Giờ Sinh đã trưởng thành và là trụ cột của gia đình nhỏ. “Hiện giờ hai vợ chồng em đã có một bé gái khoẻ mạnh và rất đáng yêu. Em sẽ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con”, Sinh tự hào kể.

 

Ảnh 3: Hiện tại là chàng trai 22 tuổi, Sinh đã có gia đình nhỏ của riêng mình.

 

Tuy bận rộn với công việc bán hàng, phụ giúp bố mẹ chăn nuôi và chăm sóc gia đình nhỏ của mình, cậu bé Sinh năm nào vẫn luôn dành thời gian để hỗ trợ các hoạt động Câu lạc bộ Trẻ em và trực tiếp tham gia vào các sự kiện tập huấn, truyền thông tại bản để chấm dứt nạn tảo hôn. “Nhìn thấy những nỗ lực và thành tựu của Sinh, các cán bộ chương trình chúng tôi đều vô cùng tự hào. Tôi hy vọng rằng câu chuyện của Sinh sẽ là nguồn cảm hứng để các em nhỏ suy nghĩ tích cực và phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình”, anh Đinh Xuân Duy, nhân viên World Vision Việt Nam đã đồng hành cùng Sinh trong một thời gian dài, chia sẻ.

 

“Trong tương lai, em nhất định sẽ tiếp tục giúp đỡ trẻ em trong xã. Em sẽ phấn đấu trở thành một nhân viên bán hàng giỏi, có những kỹ năng giao tiếp và tư vấn khách hàng tốt để có thể hỗ trợ các em muốn theo đuổi ngành nghề này. Em mong rằng tất cả trẻ em trong cộng đồng luôn mạnh khoẻ, ngoan, học giỏi và sẽ có công việc làm ổn định để không phải chịu vất vả sau này”, Sinh kết thúc câu chuyện của mình.

 

Ảnh 4: “Em yêu thích công việc của mình vì nó đem lại nguồn thu nhập ổn đinh và cho em nhiều thời gian để chăm sóc gia đình”, Sinh hi vọng sẽ trở thành một nhân viên bán hàng giỏi để hỗ trợ trẻ em trong thôn bản học nghề.

 

Hà Văn Sinh là một trong số rất nhiều trẻ đã “tốt nghiệp” Chương trình Bảo trợ của World Vision Việt Nam. Với sứ mệnh phục vụ trẻ em dễ bị tổn thương, World Vision Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để cải thiện an sinh cho trẻ em, gia đình và cộng đồng, hướng đến một cuộc sống tràn đầy niềm vui, nơi mọi trẻ em đều được phát huy hết các tiềm năng thiên phú và được hưởng một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa.

0.12556 sec| 2247.141 kb