(Danh tính của nhân vật và gia đình đã được thay đổi)

 

“Ngày nào em cũng khóc rồi xin người chồng Trung Quốc là ‘Cho em về, chồng em chết rồi nên không có ai chăm sóc hai con em. Kể cả anh có nhốt em ở đây, em cũng sẽ trốn về,” Thanh nhớ lại. Đến giờ, Thanh vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại quãng thời gian bị lừa bán sang Trung Quốc gần một năm trời.

 

 

Đi để thoát nghèo

Là một trong những xã nghèo nhất của huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên), Sa Lông có tới 75% hộ gia đình thuộc diện nghèo. Với vị trí cách biên giới vài giờ đi xe, nhiều người dân xã Sa Lông đã rời quê hương sang Trung Quốc làm các công việc thời vụ. Giữa năm 2018, theo lời giới thiệu của một người cùng bản, Thanh và chồng đi làm thuê tại một thị trấn nhỏ bên đó với hy vọng sẽ tích luỹ được một khoản tiết kiệm cho hai con nhỏ. Từ quét dọn, bốc vác, phụ xây, hai vợ chồng đều làm cả. Dẫu biết làm việc không hợp đồng nhiều rủi ro, nhưng với khoản thu nhập hơn 20 triệu đồng sau khi trừ các chi phí – gấp 10 lần so với làm nương, đi rừng ở nhà, hai vợ chồng đành chấp nhận.

 

“Vì thu nhập cao, nhiều người vẫn bất chấp đi làm thuê như vậy dù điều kiện lao động không được đảm bảo, phải làm việc quá sức hoặc thậm chí bị chủ bóc lột, đánh đập,” – chị Hoa, Cán bộ Điều phối Dự án “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái” (HTPWG) tại tỉnh Điện Biên của World Vision Việt Nam, chia sẻ. “Vậy nên, năm trong sáu trường hợp chúng tôi làm việc cùng gặp nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, và một người thậm chí đã qua đời sau khi trở về không lâu.” Sau gần một năm làm thuê, sức khoẻ của chồng Thanh cứ yếu dần khiến hai vợ chồng buộc phải trở về quê hương, và chỉ ba tháng sau, anh qua đời mà không rõ nguyên nhân.

 

Niềm tin đặt sai chỗ

Dù chồng mất chưa lâu nhưng vì gánh nặng kinh tế mà đến đầu năm 2019, Thanh vẫn phải tiếp tục sang Trung Quốc làm việc gần biên giới Lào Cai. Một ngày, Thanh và bạn cùng huyện, Sang, được một người quen tên Tủa rủ đi ăn sinh nhật. Ăn uống, trò chuyện một lúc, Tủa rủ hai người cùng đi với bạn mình là Phèo hát karaoke. Lên taxi đi được một lúc, Thanh nhận ra rằng chẳng có quán karaoke nào cả. Khi chiếc xe dừng tại một góc đường vắng, Thanh và Sang đã bị hai “người bạn” túm tóc, khống chế và dẫn tới trao cho hai người đàn ông Trung Quốc đứng chờ sẵn. Họ bị ép lên xe máy rồi chở tới nhốt tại một căn lán sâu trong rừng.

 

Những trường hợp bị lừa bán bởi người quen như Thanh và Sang không hiếm, đặc biệt là tại bốn huyện giáp biên giới Trung Quốc là Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên. “Từ năm 2017, có hơn 300 trường hợp phụ nữ, trẻ vị thành niên hoặc trẻ em gái vắng mặt trên địa bàn, nghi bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc. Với thủ đoạn tinh vi và khó lường, tội phạm mua bán người thường trà trộn và sinh sống dài ngày tại địa bàn vùng cao và sử dụng điện thoại, mạng xã hội để tiếp đối tượng, đa phần là các chị em người dân tộc thiểu số không biết chữ, có trình độ dân trí thấp để lừa bán,” Thiếu tá Hoàng Văn Dân, Phó Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế - Ma tuý, Công an huyện Mường Chà, cho biết.

 

Hành trình đơn độc

Sáng tỉnh dậy, Thanh đã thấy Sang nằm cuộn trong góc phòng và run lên từng chập. Sang cầu xin bọn người ra ngoài mua cho mình đồ ăn, và sau một hồi thương lượng, chúng cũng đồng ý nhưng với điều kiện Thanh phải đi cùng. Khi ba người quay trở lại, Sang đã trốn thoát.

 

Trong một tháng sau đó, bọn buôn người bắt Thanh phải thay đổi chỗ trốn nhiều lần, nhiều nơi cách nhau cả mấy giờ đi xe để tìm người mua với giá tốt hơn. Lần nào cũng vậy, chúng chỉ xuất phát khi trời đã tối hẳn và luôn theo sát nhất cử nhất động của Thanh. “Chúng nói nếu em không nghe lời thì sẽ giết rồi ném xác xuống sông, như thế cũng chẳng ai biết được cả,” Thanh rùng mình kể lại. Cuối cùng, một người đàn ông ở huyện Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) mua Thanh về làm vợ với giá 70.000 tệ (tương đương gần 280 triệu đồng).

 

“Em chỉ muốn về với con em thôi”

Hàng ngày, Thanh đều phải đi làm đồng cùng “người chồng” Trung Quốc và mẹ chồng rồi về chăm sóc nhà cửa và con trai riêng 9 tuổi của chồng. Thời gian đầu, vừa không biết tiếng, vừa nhớ con, nên ngày nào Thanh cũng khóc. “Về sau, em gặp được các chị người Việt cũng sang đây làm vợ nên cũng đỡ. Các chị khuyên em giờ sang đây rồi thì cố gắng làm ăn cho gia đình chồng bên này, rồi thì chị em có nhau. Nhưng em chỉ muốn về với con em thôi,” Thanh nhớ lại.

 

Không biết tiếng và nhớ con, nhớ nhà nên ngày nào Thanh cũng khóc. 

 

Theo China News Weekly, tính đến năm 2019, có khoảng 100.000 cô dâu Việt Nam kết hôn với chồng Trung Quốc, nhưng chưa đến một nửa là cuộc hôn nhân hợp pháp. Do tình trạng mất cân bằng giới nghiêm trọng, nhiều đàn ông Trung Quốc phải tìm đến các dịch vụ mai mối và thậm chí là đường dây mua bán người để lấy vợ từ những nước lân cận. Hầu hết những cô dâu ngoại quốc này ở những vùng nông thôn nghèo, nghèo đói và không có hộ khẩu nên quyền lợi rất khó được đảm bảo.

 

Một buổi sáng nhân lúc cả chồng và mẹ chồng đi chợ phiên, Thanh lẻn ra khỏi nhà và gọi được một chiếc xe taxi. Với vốn tiếng ít ỏi, Thanh cũng nhờ được người lái xe đưa mình tới đồn cảnh sát. Vậy nhưng, chiếc xe đi lòng vòng một lúc và cuối cùng lại dừng đúng trước cửa nhà Thanh. Hoá ra, người ở đây đã quá quen với những cô dâu chạy trốn như Thanh, và hơn nữa, họ cũng không muốn bị bọn buôn người gây phiền nhiễu sau này. Lúc thấy mẹ chồng và chồng đứng chờ trước cổng nhà, Thanh cảm thấy mọi thứ như sụp đổ.

 

Dù không bị đánh đập vì đã bỏ trốn, Thanh bị lấy mất điện thoại và cả ngày chỉ được ở trong bốn bức tường nhà. Ngày nào Thanh cũng khóc với chồng: “Em phải về với các con em. Anh có giữ, có nhốt em ở đây thì em vẫn sẽ tiếp tục trốn đi thôi.” Sau nhiều tuần thấy Thanh cầu xin, khóc lóc và tuyệt thực đến rạc người, người chồng cũng mủi lòng và liên hệ với cảnh sát.

 

Đường trở về không dễ dàng

Khi trở về Việt Nam vào tháng 11 năm 2019, Thanh không ngờ gần một năm đã trôi qua. “Lúc em đã về lại trên đất Việt Nam rồi, em không còn thấy sợ gì nữa. Lúc đó em mới có thể thở phào,” Thanh nhớ lại. Về đến Mường Chà, Thanh gặp lại Sang và cả hai quyết định cùng tố giác Tủa và Phèo và làm chứng trước toà.

 

Những tưởng đây đã là một cái kết có hậu với Thanh, nhưng đối với nạn nhân của mua bán người, quá trình tái hoà nhập vẫn còn rất khó khăn. Nhiều nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ, bị bóc lột, bạo hành và ép làm những công việc bất hợp pháp như mại dâm, đẻ thuê, bán nội tạng,… Với những tổn thương về tinh thần, thể xác và nhân phẩm như vậy, họ càng dễ mặc cảm và tự ti, đặc biệt trong những cộng đồng nhỏ vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Đối với Thanh cũng vậy. Những lời đồn đoán ác ý về khoảng thời gian bên Trung Quốc càng làm Thanh cảm thấy khó quay trở lại với cuộc sống cũ. Ngay cả mẹ chồng cũng tin những lời đàm tiếu đó và muốn đuổi Thanh đi lấy chồng mới, còn các con để bà nuôi.

 

Nhận được thông tin về trường hợp của Thanh, World Vision Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ và đưa Thanh vào các chương trình hỗ trợ, đồng thời cung cấp vật liệu để giúp chị cất một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh nhà chồng để tiện thăm và chăm sóc các con. Nhưng vì kinh tế khó khăn, dù mới đoàn tụ với các con chưa lâu, một lần nữa Thanh lại phải rời quê để đi Hải Phòng làm công nhân may.

 

“Ở Mường Chà, do thời tiết khắc nghiệt và đất canh tác hạn chế nên nhiều người trở về như Thanh vẫn quyết định rời quê đi làm ăn xa. Vì vậy, với những trường hợp đó, Dự án vẫn cố gắng đồng hành và hỗ trợ họ di cư, làm việc an toàn thông qua việc cung cấp thông tin việc làm qua các nhóm Zalo, giữ liên hệ, và theo dõi sức khoẻ và an sinh của con cái họ,” chị Hoa, Cán bộ Điều phối Dự án HTPWG chia sẻ. Vì vậy, trong thời gian Thanh đi làm xa, hai con trai Chung (7 tuổi) và Oánh (4 tuổi) đã được World Vision Việt Nam đưa vào mô hình “Tư vấn hộ gia đình đúng đối tượng, đúng thời điểm” để được theo dõi sức khoẻ và điều kiện học tập. Nhờ các can thiệp về dinh dưỡng của mô hình, Chung và Oánh dần đạt mức cân nặng tiêu chuẩn và nâng cao sức khoẻ, vì vậy mà những lần phải vào viện vì cúm mùa của hai em cũng thưa dần.

 

Ngoài những hỗ trợ cải thiện sinh kế, World Vision chú trọng công tác truyền thông về các chiêu trò của tội phạm buôn người, đồng thời tổ chức các ngày hội việc làm để cung cấp cho người dân thông tin di cư và làm việc an toàn. 

 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà máy đóng cửa hết, Thanh đành phải quay về Mường Chà. Để giúp chị ổn định cuộc sống, thông qua mô hình Thoát nghèo cùng cực, World Vision đã hỗ trợ gia đình hai con dê giống, vật liệu xây chuồng, thức ăn chăn nuôi và tập huấn kỹ thuật. Dần dần, Thanh không còn thấy bồn chồn, lo lắng vì phải nghỉ công ty nữa.

 

Nhờ sự đồng hành kiên trì và không phán xét của các cán bộ Dự án HTPWG và World Vision, Thanh và Sang dần cởi mở hơn và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình tại các buổi họp của Câu lạc bộ Phụ nữ. “Em nghĩ ai cũng có lúc mất cảnh giác. Em muốn chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người cảnh giác, và cũng hiểu chúng em hơn. Em cảm thấy mình được tôn trọng và có giá trị khi câu chuyện của mình có thể giúp ích cho các chị em khác,” Thanh tâm sự.

 

Những buổi họp của Câu lạc bộ Phụ nữ dần khiến Thanh thấy gắn bó và tôn trọng bởi các chị em trong cộng đồng hơn. Nhờ vậy, Thanh cũng cởi mở để chia sẻ câu chuyện của mình để giúp các chị em khác phòng tránh các thủ đoạn của những kẻ buôn người (Ảnh minh hoạ 01 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Phụ nữ). 

 

“Em chỉ mong được sống cùng hai con ở đây.”

Sau đại dịch, các nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại, và chẳng mấy chốc Thanh sẽ lại lên đường đi Hà Tĩnh tìm việc. Nhìn các con hồn nhiên chạy chơi, ý ới gọi mẹ, Thanh chỉ biết cười buồn. “Nhớ con lắm nhưng em vẫn phải đi thôi. Em chỉ mong được làm ăn tại quê hương để sống cùng hai con. Em sẽ nuôi dạy con thật tốt, không phải sống tủi cực như em,” Thanh chia sẻ. Dù buồn nhiều vì sắp phải xa con, Thanh biết rằng ở đây còn có gia đình, bạn bè và các cán bộ World Vision Việt Nam sẽ chăm sóc và đồng hành cùng các con.

 

Con trai Thanh, Chung và Oánh (7 và 4 tuổi) háo hức cùng đi thăm dê được World Vision Việt Nam hỗ trợ thông qua mô hình Thoát nghèo cùng cực. 

 

Tỉnh Điện Biên là một trong những “tụ điểm” của các hoạt động mua bán người tại Việt Nam và khu vực tiểu vùng Mekong. Thông qua các hoạt động lồng ghép tại Chương trình Vùng và các dự án đặc biệt như “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” và “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái” (HTPWG), World Vision Việt Nam đang nỗ lực miệt mài cùng các cơ quan chính phủ và cộng đồng để giải quyết các vấn đề gốc rễ của nạn mua bán người. World Vision Việt Nam cam kết đồng hành cùng người dân, đặc biệt là nạn nhân và những người có nguy cơ cao, trong quá trình nâng cao nhận thức, hiểu biết để phòng chống nạn mua bán người, đồng thời trang bị cho họ những công cụ cần thiết để đảm bảo sinh kế và cải thiện điều kiện kinh tế. Trong giai đoạn 2018 – 2019, World Vision Việt Nam đã hỗ trợ giải cứu thành công 33 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc và đồng hành cùng 44 nạn nhân trong quá trình tái hoà nhập và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi trở về.

0.03716 sec| 2205.055 kb