(Danh tính của nhân vật và gia đình đã được thay đổi)

“Khi đi làm về không thấy Sa, gọi điện không liên lạc được, đi tìm khắp nơi nhưng cũng không ai biết. Lúc đó em đã rất sợ,” Minh nhớ lại. Anh không biết rằng vợ mình - Sa và người bạn cùng trọ - Thy đang bị giam cầm tại một căn chòi sâu trong rừng để bán cho những người đàn ông Trung Quốc đang tìm vợ.

 

“Ai cũng có khả năng là kẻ buôn người”

Khoảng giữa năm 2018, Minh và Sa rời quê hương Mường Chà (tỉnh Điện Biên) để làm thuê tại các công trường bên Trung Quốc gần biên giới Lào Cai. Năm nào cũng vậy, cứ tầm này, hai vợ chồng lại cố gắng đi một chuyến vài tháng để lo được cho gia đình một cái Tết ấm no.

 

Hình 1: Mảnh đất Mường Chà ít đất canh tác, khí hậu khắc nghiệt khiến nhiều người dân quyết định rời quê đi tứ xứ làm thuê với hi vọng có một cuộc sống ấm no hơn.

 

Nhưng sém chút nữa thì đã không có cái Tết nào cả. Một ngày nọ, Sa và bạn cùng trọ - Thy nhận lời đi ăn tối với vài người quen cùng huyện. Nhưng sau khi lên taxi, những “người bạn” này đã chở họ tới bìa rừng vắng vẻ nơi có hai kẻ buôn người đứng chờ sẵn.

 

Tìm kiếm nạn nhân trong vòng quen biết như họ hàng, bạn bè, người quen là thủ đoạn thường thấy của những kẻ buôn người. “Tội phạm mua bán người thường trà trộn và sinh sống dài ngày tại địa bàn vùng cao để tiếp cận chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, hoặc không có cơ hội tiếp xúc nhiều với thông tin xã hội để lừa bán. Trong giai đoạn 2015-2019, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp điều tra, phát hiện và bắt giữ 85 vụ án, chuyên án mua bán phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời, đã giải cứu được 48 nạn nhân. Trong số đó, có 5 vụ án và 11 kẻ buôn người từ huyện Mường Chà.” - Thiếu tá Hoàng Văn Dân, Phó Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế - Ma tuý, Công an huyện Mường Chà, cho biết.

 

Cuộc trốn thoát kỳ tích

“Mấy người đó nói nếu bọn em không nghe lời, họ sẽ giết rồi ném xác xuống sông,” Sa rùng mình nhớ lại. Những kẻ buôn người áp giải hai cô gái tới một căn chòi gỗ nằm hiu quạnh giữa rừng và dùng một dây xích sắt to khoá trái cửa lại. Nằm cuộn mình một góc chòi, tâm trí Sa chỉ có thể nghĩ tới việc làm thế nào thoát khỏi cơn ác mộng này để về được với chồng con. Một rồi hai ngày trôi qua, run rẩy vì đói khát và căng thẳng, Sa cầu xin tên gác chòi mang cho mình đồ ăn: “Nếu em chết thì các anh cũng bị mất tiền mà.” Nghe vậy, hắn cũng đồng ý, nhưng với điều kiện Thy sẽ phải vào chợ mua đồ ăn cùng hắn.

 

Sau khi nghe tiếng xe xa dần, Sa vội choàng dậy và bắt đầu xem xét kĩ căn chòi. Hai ngày qua, chị đã âm thầm quan sát và phát hiện một lỗ nhỏ trên mái chòi, được lợp sơ sài chỉ bằng mấy tấm nứa. Sa gắng trèo đến cái lỗ, lấy hết sức bình sinh đẩy tấm nứa thật mạnh và thoát ra ngoài qua mái chòi. Khi chân chạm đất, Sa chỉ biết thục mạng chạy về phía trước, cho đến khi ra được tới đường lớn và nhìn thấy một công trường xây dựng. May mắn làm sao khi những người làm thuê ở đó là người H’Mông - Trung Quốc. Họ hiểu được lời cầu cứu của Sa và đưa chị tới đồn cảnh sát.

 

Hình 2: Cuộc trốn thoát kỳ tích của Sa theo tranh vẽ của các bạn nhỏ tham gia các buổi truyền thông về phòng chống mua bán người của World Vision Việt Nam.

 

Chứng kiến công lý được thực thi

Những ngày tiếp theo đối với Sa diễn ra như một cơn mơ: Cảnh sát Trung Quốc lấy thông tin và đưa Sa quay trở lại Cửa khẩu Lào Cai; tại đây, Sa đã gọi được cho bố, và chỉ trong nửa ngày sau, Minh đã có mặt để đón Sa trở về nhà. Trong lúc chờ đợi, Sa đã báo tin ngay cho công an địa phương với hy vọng Thy cũng sẽ sớm được giải cứu. Nhưng phải đến hơn tám tháng sau, Thy mới trở về thành công và cùng nhau, hai chị em đã tố cáo và giúp khởi tố những kẻ buôn người. Nhờ vậy, kẻ phạm tội đã phải lãnh án phạt bảy năm tù.

 

Trên thực tế, những người dám ra mặt khởi tố tội phạm buôn người như Sa và Thy quả thật không nhiều. “Trong rất nhiều vụ việc, vì là người quen nên cá nhân, cộng đồng cố tình che giấu khiến rất nhiều hành vi bạo lực, mua bán người diễn ra ở cộng đồng đã không được báo cáo kịp thời,” Thiếu tá Hoàng Văn Dân chia sẻ thêm. Trước nỗi sợ bị trả thù, cùng nhiều tổn thương về thể chất - tinh thần, và mặc cảm xã hội mà nhiều người trở về sống khép kín và không dám tố cáo những kẻ đã bán mình. Hơn nữa, nhiều người khi cuối cùng cũng được trở về sau nhiều năm lưu lạc lại cảm thấy xa lạ với chính gia đình và quê hương của mình. Họ là những người “đi không được, ở cũng chẳng xong.”

 

Từng bước xây dựng lại cuộc sống

Trở về Mường Chà và đoàn tụ cùng hai con nhỏ, Sa vui lắm. Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền sớm quay trở lại và ám ảnh hai vợ chồng. Sa không thể, và sẽ không bao giờ, quay trở lại Trung Quốc nữa. Vì thế, sau khi suy tính kỹ lưỡng, Minh sẽ đi Quảng Ninh làm mỏ than còn Sa ở lại chăm sóc các con.

 

Khi nhận được thông tin về trường hợp của Sa, World Vision Việt Nam đã nhanh chóng đưa chị vào các chương trình hỗ trợ người trở về của Dự án “Phòng chống Mua bán Phụ nữ và Trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên.” Để giúp chị xây dựng một “hậu phương vững chắc,” World Vision đã hỗ trợ Sa tham gia các khoá tập huấn về kỹ năng chăn nuôi, cung cấp con giống và vật liệu làm chuồng để gia đình phát triển chăn nuôi gà và bò. Ngoài ra, để hỗ trợ những người trở về kết nối và hoà nhập với cộng đồng, World Vision đã động viên Sa tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ Phụ nữ bản. Ban đầu, Sa không muốn tham gia những buổi sinh hoạt đông người như vậy chút nào. “Những người không hiểu chuyện, không quen biết mình có khi lại đánh giá rồi nghĩ xấu,” Sa nghĩ vậy. Nhưng rồi, sau nhiều tháng nhận được sự hỗ trợ bền bỉ và chân tình từ các chị em trong Câu lạc bộ và World Vision, Sa cảm thấy mình được tôn trọng và lắng nghe. Dần dần, chị cũng có thể cởi mở hơn và chia sẻ câu chuyện của mình để giúp các chị em nâng cao cảnh giác và bảo vệ bản thân mình khỏi những phương thức lừa gạt của kẻ buôn người.

 

Hình 3: Các hoạt động hỗ trợ những người trở về và những người có nguy cơ cao của World Vision Việt Nam tập trung vào nâng cao kết nối và hỗ trợ cộng đồng thông qua Câu lạc bộ Phụ nữ và các Nhóm tiết kiệm.

 

“Sự thay đổi của Sa là kết quả của cả một quá trình phục hồi với nhiều thời gian, nỗ lực và sự gắn kết bền vững với cộng đồng. Khi mới bắt đầu tiếp cận, Sa không quá hợp tác và còn né tránh khi nói về các vấn đề mua bán người. Nhưng dần dần, với thời gian và sự đồng hành không phán xét, bạn ấy đã dần cởi mở và mạnh dạn tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ và chia sẻ câu chuyện của mình với các chị em và tại các sự kiện truyền thông về việc làm an toàn,” chị Phan Thị Như Hoa, Điều phối Dự án “Phòng chống Mua bán Phụ nữ và Trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên” (HTPWG) của World Vision Việt Nam, nhận xét.

 

Ngoài ra, Câu lạc bộ còn thành lập Nhóm tiết kiệm để Sa và các chị em cùng lập kế hoạch tiết kiệm cho gia đình mình và đóng góp một số tiền tự nguyện hàng tháng - chỉ từ 50.000 đến vài trăm ngàn đồng – vào quỹ chung. “Với em, thay đổi lớn nhất có lẽ là tham gia Nhóm tiết kiệm. Trước giờ, làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu nên gia đình em cũng không có tiền dư là bao. Nhưng bây giờ biết cách để dành, hai vợ chồng em sắp xây được nhà mà không phải đi vay quá nhiều nữa,” Sa tự hào chia sẻ.

 

Nhờ sự hăng hái và tinh thần trách nhiệm cao, Sa được các chị em tin tưởng để giao nhiệm vụ Trưởng Nhóm tiết kiệm và Thư ký của Câu lạc bộ. Dưới sự dẫn dắt của Sa, nhóm tiết kiệm đã kết nạp và hỗ trợ thêm được cho 7 thành viên và cùng đóng góp được khoản tiết kiệm chung lên tới 10 triệu đồng. Dù số tiền không quá lớn nhưng đó là “quỹ chữa cháy” hữu ích giúp các chị em xoay sở những lúc khẩn cấp hay ốm đau. “Khi được bầu làm Trưởng nhóm, em cũng hơi lo nhưng rồi được Dự án cho đi tập huấn nên em cũng tự tin hơn và không có khó khăn gì,” Sa cười nói.

 

“Lần này vợ chồng em đã hiểu biết hơn rồi”

Sau gần 3 năm trở về, Sa đã tưởng mình đã có thể an cư lập nghiệp ngay trên quê hương, nhưng gánh lo kinh tế vẫn cứ đeo đẳng, buộc hai vợ chồng phải tiếp tục đi làm ăn xa. Lần này, hai vợ chồng sẽ tranh thủ đi thu hoạch cà phê tại Đắk Nông, nơi cách Mường Chà gần 1.800 ki-lô-mét.

 

“Ở Mường Chà, do thời tiết khắc nghiệt và đất canh tác hạn chế nên nhiều người trở về như Sa vẫn quyết định đi làm ăn xa. Vì vậy, với những trường hợp đó, Dự án vẫn cố gắng đồng hành và hỗ trợ họ di cư, làm việc an toàn thông qua việc cung cấp thông tin việc làm qua các nhóm Zalo, giữ liên hệ, và theo dõi sức khoẻ và an sinh của con cái họ. Như với trường hợp của Sa, World Vision đang có những can thiệp và chương trình tại trường của hai cháu; chúng tôi vẫn quan tâm, hỏi han các cháu thường xuyên,” chị Hoa, Cán bộ Điều phối Dự án HTPWG chia sẻ.

 Hình 4: Sa chia sẻ: “Em chỉ mong đi làm có tiền để trả hết nợ xây nhà, nuôi con khoẻ mạnh và đi học ngoan trên đất này.”

 

“Tầm nhìn tập huấn cho chúng em là trước khi đi làm cần tìm hiểu kỹ thông tin quan trọng, bao gồm lương, tên công ty, có hợp đồng hay không,…” Sa nhớ lại nội dung truyền thông về di cư và làm việc an toàn của World Vision. “Các con em sẽ ở với ông bà nội và chị dâu. Các cháu cũng được tham gia Câu lạc bộ trẻ của Tầm nhìn ở trường và được các cô chú quan tâm nữa. Vậy là em cũng có phần yên tâm. Em chỉ mong đi làm có tiền để trả hết nợ, nuôi con khoẻ mạnh và đi học ngoan trên đất này,” Sa kết thúc câu chuyện của mình.

 

Huyện Mường Chà cùng các huyện giáp biên giới khác tại tỉnh Điện Biên là “tụ điểm” của các hoạt động mua bán người tại Việt Nam và khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Công. World Vision Việt Nam đang nỗ lực hợp tác cùng các cơ quan chính quyền và cộng đồng để đồng hành cùng người dân, đặc biệt là những người trở về và những người có nguy cơ cao, trong quá trình nâng cao nhận thức, hiểu biết để phòng chống nạn mua bán người, đồng thời trang bị cho họ những công cụ cần thiết để đảm bảo sinh kế và cải thiện điều kiện kinh tế. Trong giai đoạn 2020 và 2022, dự án “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái” (HTPWG) của World Vision đã hỗ trợ 900 phụ nữ và 630 trẻ em gái nâng cao kiến thức và kỹ năng về phòng chống mua bán người, đồng thời hỗ trợ 1.200 hộ gia đình có người trở về hoặc có nguy cơ cao phát triển sinh kế bền vững và tái hoà nhập cộng đồng.

0.06843 sec| 2197.039 kb