Sinh ra ở một xã nhỏ tại mảnh đất Thanh Hóa đầy nắng gió, cậu bé Khanh (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) luôn khỏe mạnh, vui tươi, và sôi nổi. 

 

Nhiều lúc, bố mẹ Khanh phàn nàn với cô giáo là chẳng thấy Khanh học bài ở nhà. Nhưng thực ra Khanh rất chăm chỉ và thường tranh thủ giờ ra chơi để làm hết bài tập về nhà. Có thế, em mới phụ giúp được nhiều cho bố mẹ sau giờ học, hay tranh thủ đọc thêm vài trang sách mỗi khi rảnh rỗi.
 
Hệ quả đau lòng của một trò chơi trẻ con

 

Vào một ngày cuối năm 2013, khi đang chơi leo cây cùng các bạn, trong một giây phút bất cẩn, Khanh trượt chân và ngã từ độ cao 10 mét xuống đất. Đầu đập mạnh vào đá, máu túa ra từ mũi và tai, khuôn mặt rúm ró, biến dạng, cậu bé bất tỉnh ngay tại chỗ. Quá trình cấp cứu tại bệnh viện huyện và điều trị ở tuyến trên không mang lại kết quả khả quan. 20 ngày sau tai nạn, Khanh vẫn chìm trong hôn mê sâu.

 

“Tình trạng của cháu rất khó qua khỏi. Nếu có sống được [Khanh] cũng chỉ là người thực vật mà thôi”, bác sỹ phụ trách điều trị cấp cứu cho Khanh tại Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) kết luận, khi não bộ của em không có bất kỳ phản ứng nào với những can thiệp của bệnh viện trong suốt một thời gian dài.

 

Sau khi nghe nhận định của bác sỹ, gia đình Khanh như chết lặng đi. Những ngày cấp cứu cho em, bố mẹ Khanh – những người nông dân nghèo mà chăm chỉ thức khuya dậy sớm - đã bán tống bán tháo gần như tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà, kèm thêm số tiền vay mượn của bà con láng giềng mới tạm đủ tiền trả viện phí cho em. Nay biết được tin dữ, họ không bàng hoàng và nghẹn ngào sao được. Khanh vốn là niềm hy vọng, là của để dành của cả nhà.

 

Trường hợp như của Khanh không hề hy hữu. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010 – 2014, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các quốc gia phát triền. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể để lại hậu quả đến hết cuộc đời (1).

 

Trong các nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ, “ngã” thường không được kê vào nhóm có nguy cơ gây tử vong cao. Tuy nhiên, một số trường hợp ngã vượt quá khả năng phục hồi của cơ thể con người, trở thành gánh nặng lớn cho các cơ sở y tế, gia đình và cộng đồng (2).

 

Can thiệp kịp thời, cứu sống một mạng người

 

Quyết không từ bỏ dù hy vọng có mong manh, World Vision Việt Nam luôn sát cánh cùng gia đình Khanh trong suốt quá trình chữa bệnh cho em. Tổ chức kết nối gia đình em với chính quyền địa phương và các đơn vị y tế đủ chuyên môn để tìm ra phương án cứu sống em. Khanh nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

 

Với những can thiệp kịp thời và phù hợp, Khanh tỉnh lại không lâu sau đó. Tuy biết chặng đường chữa trị phía trước còn dài nhưng bố mẹ và những người quan tâm đến em đã cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.

 

Trong suốt quá trình điều trị sau đó, gia đình Khanh chưa bao giờ đơn độc. World Vision Việt Nam và hàng xóm láng giềng đã chung sức hỗ trợ gia đình chi phí thuốc thang, phục hồi chức năng, cũng như thường xuyên động viên tinh thần gia đình em. 

 

Quá trình hồi phục

 

Sáu tháng dài nằm giữa bốn bức tường bệnh viện, cuối cùng Khanh cũng được trở về nhà trong niềm vui vô bờ bến của gia đình, làng xóm - một sự thần kỳ khó tin ngay cả với bố mẹ em.

 

Cuối cùng gia đình Khanh đã không phải bán đi ngôi nhà – tài sản duy nhất còn lại. Không những thế, do nằm trong vùng can thiệp của World Vision Việt Nam, từ giữa năm 2014, họ còn nhận được dê giống để phát triển kinh tế duy trì cuộc sống và chăm sóc cho Khanh. Tiền bán dê con được dùng để đưa em đi tái khám và tiếp tục phục hồi chức năng. Bố mẹ em cũng được tập huấn trồng lúa, ngô và tham gia vào các nhóm tiết kiệm để nhanh chóng cải thiện kinh tế hộ gia đình.

 

Sau hơn ba năm điều trị, Khanh giờ đã có thể tự vịn tường đứng lên và men theo cầu thang đi xuống sân. Em làm các phép toán cơ bản rất nhanh và chính xác. Nụ cười hồn nhiên như đã quay lại trên gương mặt em. 

 

Mỗi khi nhắc lại quãng thời gian đã qua, bố mẹ em dường như vẫn chưa thể tin vào phép màu đã giúp Khanh bình phục.

 

Khi được hỏi về ước mơ của mình, đôi mắt Khanh sáng rực lên. Em nhoẻn miệng cười và nói: “Cháu muốn khỏe mạnh thật nhanh để được tiếp tục đến trường với các bạn”.

 

Tuy chưa hoàn toàn phục hồi để có thể đi học, các bạn trong Câu lạc bộ đọc sách của Khanh vẫn thường xuyên ghé thăm, chơi và cùng đọc sách với em.

 

“Cháu vui lắm vì các bạn tới nhà đọc sách với cháu. Bạn bè, hàng xóm và các cô chú  ở [Tầm nhìn] ai cũng thương yêu và tiếp thêm nhiều sức mạnh cho cháu.”

 

Khanh sắp phục hồi hoàn toàn. Bố mẹ em đã có nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Tuy con đường chữa bệnh cho Khanh còn dài phía trước nhưng chỉ nghĩ tới sự bao bọc của biết bao tấm lòng thiện chí dành cho em và gia đình, hẳn không chỉ có người trong cuộc mới cảm thấy ấm lòng. Những gì Khanh và gia đình có được ngày hôm nay chính là minh chứng kỳ diệu cho sức mạnh của một cộng đồng đoàn kết, đồng lòng vì trẻ em.

 

Nguồn thông tin:

 

http://moh.gov.vn:8086/pctainan/pages/tintuc.aspx?CateID=6&ItemID=1428

 

http://www.who.int/violence_injury_prevention/child/injury/world_report/Falls_vietnamese.pdf?ua=1

 

 

0.24332 sec| 2172.852 kb