“Khi nước ập vào nhà, em chỉ biết đứng một chỗ khóc gọi bà vì không biết bơi, còn bà thì vừa phải lo đưa đồ điện, gạo chạy lũ, vừa phải trông chừng em và chị gái,” Anh Tuấn nhớ lại.

 

Ngay cả khi Anh Tuấn biết chắc rằng gia đình mình đã chuẩn bị sẵn các biện pháp để đón lũ, ký ức về mùa nước lên đó sẽ mãi ám ảnh em, đặc biệt là trước những đợt bão ngày càng khó đoán đổ về Thanh Hoá thời gian gần đây.

 

“Gió như phang, nắng như rang”

Thời tiết khắc nghiệt với các đợt mưa lũ kéo dài nhiều tháng xen lẫn những tháng hè nóng như đổ lửa khiến cho các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá như Như Xuân càng thêm nhiều khó khăn. Có năm, mùa nước ngập kéo dài đến năm, sáu tháng khiến hoa màu úng rễ mà chết cả. Điều kiện canh tác khó khăn, ít nghề phụ nên đến năm 2021, toàn huyện Như Xuân vẫn còn đến 36.1% hộ nghèo. Cũng vì thế mà người trẻ rời quê đi làm thuê, lập nghiệp gần hết, để lại nhiều ngôi làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ nương tựa vào nhau.

 

Bố mẹ của Anh Tuấn cũng nằm trong số những người đi làm ăn xa như vậy. Vì vậy mà hai chị em em đã ở cùng bà nội từ khi mới chập chững biết đi. Vừa chăm sóc hai cháu, vừa là trụ cột gia đình ở cái tuổi thất thập, bà Tuyết còn luôn canh cánh nỗi lo chạy lũ. Cứ mỗi đợt mưa dài ngày, căn nhà gỗ cũ của ba bà cháu nằm ngay vùng trũng của thôn Xuân Thành lại “chịu trận” từ từng cơn nước lên của sông Quyền. “Trước đây, cứ mỗi lần lũ về, gia đình chúng tôi lại khốn đốn: có lúc ba bà cháu chỉ có mì tôm sống để ăn nhiều ngày, hoa màu thì bị phá hết, việc học hành của các cháu cũng bị gián đoạn. Để đi học được, đứa chị phải đặt thằng em lên cái đệm hơi rồi đẩy đi,” bà Tuyết nhớ lại.

 

Đợt mưa kéo dài Tháng 09 năm 2022 khiến hơn 20 hecta hoa màu bị ngập úng, gây ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại nhiều xã miền núi của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

 

Những năm gần đây, người dân Thanh Hoá chứng kiến ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn tỉnh hứng chịu 27 đợt thiên tai, gây ra thiệt hại gần 100 tỷ đồng (Theo thống kê của tỉnh Thanh Hoá, 2021). Tại huyện Như Xuân, đợt mưa kéo dài trong Tháng 09 năm 2022 khiến hơn 20 hecta hoa màu bị ngập úng và gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều xã miền núi. Ở thôn Làng Mài (xã Bình Lương), mưa lớn gây ngập tuyến đường chính khiến cuộc sống của 98 hộ dân, bao gồm 136 trẻ em, bị gián đoạn nhiều ngày.

 

Nâng cao khả năng chống chịu dựa vào cộng đồng

Thấu hiểu khó khăn về điều kiện khí hậu và xã hội của địa phương, World Vision Việt Nam ưu tiên lồng ghép những hoạt động cứu trợ và can thiệp trước – trong – sau thiên tai vào các chương trình kỹ thuật tại huyện Như Xuân. Nhằm giúp cộng đồng chủ động ứng phó với những đợt mưa lũ kéo dài hàng năm, World Vision phối hợp cùng chính quyền địa phương thiết lập đội phản ứng nhanh tại các thôn và xã dự án. Gồm những thành viên tích cực của cộng đồng, các đội phản ứng nhanh đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương.

 

Thông qua các đợt tập huấn nâng cao năng lực định kỳ và được hỗ trợ các trang thiết bị đạt chuẩn trong công tác cứu hộ như áo phao, hệ thống liên lạc, thuyền máy,… từ World Vision Việt Nam, đội phản ứng nhanh các xã dự án đã chủ động theo dõi những dấu hiện của thời tiết cực đoan để hỗ trợ người dân lên kế hoạch phòng chống và cứu hộ hiệu quả. Ngoài ra, để đảm bảo giao thông và hoạt động sơ tán được diễn ra thông suốt, World Vision đã phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các con đường “tránh lũ” tại các vùng thấp như thôn Làng Mài. Nhờ đó mà ngay cả khi đường lớn có bị ngập vì mưa lũ, người dân Làng Mài vẫn có thể di chuyển đến nhà văn hoá để sơ tán một cách an toàn.

 

World Vision phối hợp cùng chính quyền địa phương mở các con đường “tránh lũ” để đảm bảo giao thông và hoạt động sơ tán được diễn ra thông suốt trong các tháng mưa bão.

 

Bên cạnh những hỗ trợ để tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng, World Vision chú trọng đến công tác đảm bảo an sinh cho các gia đình và trẻ em dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Với những hộ dân ở vùng thấp và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và sạt lở, World Vision đã nhanh chóng cung cấp vật liệu xây dựng và ngày công để cùng người dân gia cố nhà cửa trước mùa bão. Từ năm 2018 đến năm 2022, chỉ tính riêng tại xã Bình Lương, 05 hộ gia đình đã được World Vision Việt Nam hỗ trợ tu sửa và xây lại nhà tại vị trí an toàn hơn.

 

Ngoài những hoạt động cứu hộ và hỗ trợ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, các can thiệp của World Vision còn hướng tới nâng cao khả năng chuẩn bị của cộng đồng thông qua phát triển sinh kế và gia tăng thu nhập bền vững. Thông qua mô hình Thoát nghèo cùng cực, gia đình bà Tuyết và 45 hộ dân khác đã được World Vision hỗ trợ chuyển đổi sang giống cây trồng và vật nuôi ngắn ngày để thích nghi với điều kiện thời tiết cực đoan như các loại rau theo mùa và ngan, gà, vịt. Nhờ được tuân thủ đúng các kỹ thuật chăn nuôi, đàn gà nhà bà Tuyết phát triển khoẻ mạnh và đạt chuẩn để xuất chuồng trước khi mùa mưa bắt đầu.

 

Nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi và với sự hỗ trợ của World Vision, bà Tuyết đã xây được một căn nhà gạch vững chắc cho ba bà cháu trên nền đất cao hơn. Với khoản tiền mặt có sẵn từ việc bán gà, bà Tuyết có thể tích trữ dần các nhu yếu phẩm và thuốc men cho gia đình trước mùa lũ. Nhờ vậy, Anh Tuấn và chị gái không còn quá lo về việc nước sông Quyền sẽ ập vào nhà mỗi khi trời trở mưa lớn nữa. “Giờ thì bà em sẽ không phải ăn mì tôm sống để nhường cơm cho em và chị nữa rồi,” Anh Tuấn chia sẻ.

 

 

Với sự hỗ trợ từ World Vision Việt Nam, bà Tuyết và hai cháu có thể an tâm hơn trong căn nhà gạch mới xây lại trước mùa mưa bão.

 

Tăng cường sự chủ động của mỗi người dân

Thấu hiểu được sự trao quyền và chủ động là những yếu tố cốt lõi trong hành trình thích ứng với biến đổi khí hậu, World Vision Việt Nam đã đẩy mạnh phương pháp dựa vào cộng đồng trong các can thiệp về giảm thiểu rủi ro thiên tại tại Như Xuân. Đội phản ứng nhanh của các xã dự án phối hợp cùng cán bộ vùng của World Vision Việt Nam tổ chức tập huấn cộng đồng thường xuyên, đồng thời thăm các hộ dân dễ bị tổn thương định kì để đảm bảo người dân nhận được cập nhật về tình hình thời tiết và có sự chuẩn bị kịp thời.

 

Với phương pháp dựa vào cộng đồng, World Vision Việt Nam triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các đội phản ứng nhanh tại địa phương, cộng đồng và trẻ em

 

Nhờ tham gia tập huấn và được đội phản ứng nhanh hướng dẫn, bà Tuyết và hai cháu đã cùng soạn bản kế hoạch phòng chống thiên tai cho gia đình mình. Bản kế hoạch được treo ngay trước gian nhà chính, bên cạnh chiếc áo phao gia đình mới nhận được từ đợt tập huấn vừa rồi, ghi rõ các đầu việc cần chuẩn bị trước khi thiên tai xảy ra, từ chuẩn bị lương thực và che chắn cho vật nuôi, gia cố nhà cửa cho đến tích trữ nhu yếu phẩm cho gia đình. “Điều hạnh phúc nhất bây giờ là chúng tôi được sống trong căn nhà chắc chắn, bớt lo sợ hơn mỗi khi mưa bão về,” bà Tuyết xúc động chia sẻ.

 

Trong công cuộc “sống chung với lũ” lâu dài này, nhất là khi “lũ” ngày càng thất thường và nghiêm trọng, World Vision tập trung đẩy mạnh sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên thông qua các hoạt động diễn tập thiên tai và tập huấn sơ cứu lồng ghép vào chương trình học tại các trường tiểu học và THCS dự án. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, với các kiến thức và kỹ năng được trau dồi từ sớm, các em học sinh sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương. “Nhờ tham gia lớp học bơi mùa hè của Tầm nhìn, em đã biết bơi rồi. Em không còn sợ khi nước ngập vào nhà nữa,” Anh Tuấn cười tự hào.

 

“Với những hỗ trợ kịp thời và rất thiết thực của Tầm nhìn Thế giới Việt Nam như các phương tiện như áo phao, thuyền máy,… và các hỗ trợ về sinh kế cho bà con, chính quyền và người dân đã thực hiện được phương châm ‘4 tại chỗ’ để phòng chống lũ lụt, đặc biệt là những hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Chúng tôi mong rằng Tầm nhìn Thế giới sẽ tiếp tục giúp đỡ những hộ dân dễ bị tổn thương này có thêm điều kiện để ứng phó với biến đổi khí hậu,” ông Lê Khắc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Quỳ, chia sẻ.

 

Các đội phản ứng nhanh của huyện Như Xuân được trang bị các thiết bị cứu hộ và tham gia tập huấn thường xuyên cùng World Vision.

 

“Từ năm 2016 đến nay, World Vision Việt Nam đã hướng dẫn và hỗ trợ huyện Như Xuân cách lập kế hoạch phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân, các hộ gia đình dễ bị tổn thương, và đặc biệt là trẻ em tại cộng đồng. Cách tiếp cận này đã giúp xác định những yếu tố rủi ro và từ đó, có kế hoạch cụ thể cho từng vùng, từng đối tượng trong công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Phương pháp này được các đối tác địa phương của World Vision đánh giá cao về hiệu quả và sẽ được nhân rộng tới các xã ngoài vùng dự án trong thời gian tới,” – ông Cao Phan Việt, Quản lý Chương trình Vùng Như Xuân, World Vision Việt Nam, nhận định.

 

Trong những năm qua, các tỉnh miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhằm góp phần giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu, World Vision Việt Nam đã và đang phối hợp cùng đối tác trong nước và quốc tế trong công tác triển khai các chương trình cứu trợ khẩn cấp, phục hồi, tập huấn nâng cao năng lực và phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh của trẻ em và cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

0.03943 sec| 2263.742 kb