“Phương Thảo hả? Có phải là con chị Mỷ không? Con bé mới thắng được hai huy chương đồng aerobic của tỉnh đấy”, hàng xóm của Thảo vui vẻ nói thêm. Thảo là niềm tự hào của xã X. không chỉ vì các thành tích em đã đạt được mà còn là vì sự quan tâm và chăm sóc Thảo dành cho các em nhỏ trong xóm.

 

Khởi đầu khó khăn

 

Xã X. là một trong những xã nghèo nhất của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Nằm cách trung tâm huyện hơn 40 ki-lô-mét kèm địa hình hiểm trở khiến người dân nơi đây càng khó tiếp cận với những điều kiện sinh hoạt cơ bản nhất. Với 85% dân số là đồng bào dân tộc Mông, phần lớn các hộ tại xã X. sống dựa vào làm nương rẫy nên cuộc sống phụ thuộc vào thời tiết đầy bấp bênh, nay đây mai đó.

 

Và gia đình Thảo cũng vậy. Em sống cùng bố mẹ, bà nội và anh trai trong căn nhà gỗ nhỏ không có nước máy hay nhà vệ sinh. Mỗi buổi sớm, người lớn trong nhà lại phải đi xách nước ở xa về cho cả gia đình sử dụng. Còn Thảo và anh trai Quốc, khi đó vẫn còn đang ẵm ngửa, ngủ ngoan trên lưng mẹ để cùng mẹ vượt đồi đến trường của bản.

 

“Ngày hai anh em Thảo còn nhỏ, mỗi khi họp hội đồng trên trường, tôi đều địu con đi hết cả quả núi. Rồi xế chiều, mẹ con lại nhanh chóng trở về kẻo tối, đường xá nguy hiểm. Hồi đó không có đường bê tông nên cứ trời mưa là cả làng ‘đóng băng’, không thể đi đâu được hết. Đất bùn khắp nơi, trẻ con không đi học được, người lớn cũng không muốn đi làm”, mẹ Thảo, chị Mỷ, nhớ lại.

 

Hỗ trợ nhỏ làm nên thay đổi lớn

 

Rồi một ngày, World Vision Việt Nam đã tới xã X.. Những hộ như gia đình Thảo nhận được hộ trợ về nhiều mặt để cải thiện điều kiện sống và sinh kế như xây nhà vệ sinh tiêu chuẩn và tham gia các buổi truyền thông về nước sạch. Tổ chức cũng hỗ trợ người dân cải tạo và xây dựng đường bê tông trong bản để giao thông được thuận lợi hơn. Vậy là giờ mùa mưa không còn là mùa “trói chân” nữa rồi.

 

Thảo và anh trai Quốc cũng được lựa chọn để tham gia Chương trình Bảo trợ của World Vision Việt Nam. Để giúp cải thiện đời sống và duy trì an sinh của trẻ một cách toàn diện và bền vững, Tổ chức đã cung cấp nhiều phương pháp can thiệp về sinh kế của gia đình qua nhiều hình thức suốt những năm qua. Nhờ được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn và tập huấn nâng cao kỹ năng chăn nuôi, gia đình Thảo đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ đàn ngan, gà. Mâm cơm gia đình cũng đầy đủ hơn khi ngan, gà lúc nào cũng có sẵn.

 

Được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và sống trong điều kiện đảm bảo vệ sinh có tác động rõ rệt đến Thảo và Quốc. Hai anh em dần tự tin để bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân và tham gia các hoạt động câu lạc bộ trẻ của Chương trình Bảo trợ. Từ những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các em học được nhiều kĩ năng sống quan trọng, từ làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi các hình thức xâm hại cho đến tự nhận thức bản thân và xác định mục tiêu của mình. Tham gia các buổi sinh hoạt này, Thảo thấy thú vị lắm. Em đặc biệt thích những đêm biểu diễn văn nghệ tại các ngày hội truyền thông của bản và xã. Với khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt biết cười và giọng hát trong trẻo, Thảo trở thành một con người khác trên sân khấu - tự tin, hoạt bát và bình tĩnh. Vậy nên Thảo thường được các anh chị hướng dẫn giao phó nhiệm vụ dẫn chương trình hay đóng góp ít nhất một tiết mục mỗi khi câu lạc bộ có sự kiện.

 

Ở nhà, hai anh em Thảo và Quốc cố gắng phụ giúp bố mẹ nhiều nhất có thể. Sau khi làm xong các phần việc của mình, Thảo thích ngồi trò chuyện cùng bà nội, kể cho bà nghe về việc học, việc sinh hoạt câu lạc bộ của em. Dù không hiểu tiếng Kinh nhiều và cũng chưa bao giờ được đi học, bà nội vẫn có thể ngồi nghe cháu gái kể chuyện hàng giờ.

 

Thảo thích ngồi trò chuyện cùng bà nội. Dù không hiểu tiếng Kinh nhiều và cũng chưa bao giờ được đi học, bà nội vẫn có thể ngồi nghe cháu gái kể chuyện hàng giờ.

 

“Tôi bị bán đi từ ngày còn nhỏ vì là thân con gái. Tôi cũng không được đi học, về đây cái là làm nương, làm vợ luôn. Hồi đó, chồng tôi đi học xa nhà nên một mình tôi phải dậy từ lúc tờ mờ sáng để gánh nước cho cả nhà. Ngày ấy, chăn nuôi cũng không có chuồng trại như bây giờ, đêm gà cứ chạy lên rừng hết. Nên lúc sinh con, tôi thèm ăn một bát cháo gà cũng không có”, giọng bà run run khi kể lại thời gian khốn khó. “Bây giờ, cháu tôi gái hay trai cũng đều được đi học. Tầm nhìn cũng cho chúng tôi cái nhà vệ sinh, cái bể đưng được thật nhiều nước, cả chuồng nuôi ngan và nuôi lợn nữa. Tôi thấy biết ơn nhiều lắm”.

 

“Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều rồi”

 

Hiện tại, Thảo và anh trai đều đang xa nhà để theo đuổi những dự định riêng của mình: Thảo học cấp ba trên tỉnh còn Quốc đang là sinh viên trường Đại học Văn hoá trên Hà Nội. Nhìn các con lần lượt xa nhà, chị Mỷ không khỏi chạnh lòng khi nghĩ mình sẽ không còn gần gũi và hiểu các con như xưa nữa. Nhưng rồi khi tham gia các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Gia đình Toàn mỹ do World Vision Việt Nam tổ chức, chị Mỷ học cách quan tâm và tôn trọng con cái khi chúng đã trưởng thành và làm sao để san sẻ với chồng để gia đình luôn vui vẻ, hoà thuận. Chị Mỷ nằm trong số 479 cha mẹ và người chăm sóc trẻ tại Điện Biên Đông đã tham gia chương trình tập huấn của World Vision Việt Nam về hàn gắn mối quan hệ và xây dựng gia đình yêu thương, an toàn. Và chỉ sau hai năm triển khai, chương trình đã đem lại những thay đổi tích cực khi số ca bạo hành trẻ trên địa bàn bốn xã dự án của tỉnh Điện Biên đã giảm một nửa (2022).

 

Khi nghe tin trường đang tìm thí sinh đại diện để tham gia cuộc thi aerobic cấp tỉnh, Thảo rất quan tâm nhưng ban đầu em vẫn còn do dự. Hồi nhỏ, hai anh em thường luyện uốn dẻo trước hiên nhà, và Thảo uốn rất khéo – anh Quốc vẫn thường nói thế. Thảo còn thường làm được những động tác khó mà anh Quốc hay bạn bè không làm được. Nhưng em chưa bao giờ biểu diễn những động tác này trước người lạ cả. “Nhưng nếu có người khác ngoài anh Quốc chiêm ngưỡng các động tác này và vỗ tay tán thưởng mình thì cũng hay…” Thảo nghĩ.

 

Nếu như em vẫn còn là cô bé trầm lặng, nhút nhát của những năm trước, chắc hẳn Thảo sẽ chẳng dám đăng ký dự thi và để cơ hội vụt đi mất. Nhưng nhờ sự dày dặn em đã luyện tập được từ những lần biểu diễn trên sân khấu cùng câu lạc bộ, Thảo động viên bản thân rằng lần này “cũng chỉ giống như các lần biểu diễn khác thôi mà”. Sau khi ghi danh đăng ký, Thảo chỉ có hai tuần để luyện tập. Nhưng có lẽ em thực sự có năng khiếu với bộ môn này khi chỉ với thời gian luyện tập ngắn, Thảo đã có thể thành thạo những động tác khó và chinh phục ban giám khảo để mang về 2 huy chương đồng cho trường.

 

Từ trò chơi uốn dẻo thưở bé, Thảo đã rèn luyện và nâng cao các động tác để thắng 2 huy chương đồng trong cuộc thi aerobic của tỉnh Điện Biên.

 

Khi được hỏi liệu bản thân có muốn theo đuổi con đường thi đấu aerobics chuyên nghiệp, Thảo chỉ cười: “Tuần trước chị Sinh, người hướng dẫn của câu lạc bộ tụi em, đã có một chuyên đề rất hay về kỹ năng nhận thức. Tụi em học cách phân tích để tìm ra những điều mình thực sự thích và không thích để rồi liên kết và tìm ra định hướng cho mình trong tương lai. Qua bài học đó, em nghĩ rằng bản thân đã biết rõ mình muốn làm gì trong tương lai. Em muốn dạy và kể chuyện cho các em nhỏ, giúp các em tự tin khám phá thế giới ở ngoài kia. Em mong rằng tất cả các em bé ở bản đều có thể đi học như em. Vậy nên em muốn trở thành một giáo viên mầm non”.

 

Giờ đã là một nữ sinh 17 tuổi, Thảo thích “luyện tập trước” cùng với các em nhỏ hàng xóm khi trở về thăm nhà. Mỗi lần được chị Thảo đọc sách và dạy đánh vần, đám trẻ mê lắm. Ngoài đọc sách, ghép vần, Thảo còn bày nhiều trò chơi sáng tạo để các em cùng chơi. Tiếng cười giòn xen với giọng đọc trong trẻo của Thảo làm xôn xao cả xóm nhỏ.

 

Sau khi hoàn thành việc nhà, Thảo thường “lùa” đám trẻ trong xóm lại và cùng luyện đọc, ghép vần.

 

Giống như Thảo và anh trai, những trẻ nhận được hỗ trợ của World Vision Việt Nam trong cuộc sống và học tập đã trưởng thành và tự tin theo đuổi con đường của mình để trở thành những thành viên tích cực của cộng đồng. Thông qua những phương pháp lồng ghép và toàn diện, World Vision Việt Nam đang hỗ trợ trẻ dễ bị tổn thương và gia đình các em tại Điện Biên Đông và trên khắp Việt Nam có cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn ý nghĩa hơn.

0.03357 sec| 2186.938 kb