Người dân ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên có thể mường tượng ra một mái ấm hạnh phúc khi nghĩ về gia đình của Saola*. Hai vợ chồng cô đều là người H’Mông, và cùng sinh năm 1995. Họ làm lụng cần mẫn, chỉ với một mong ước giản đơn là mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái.
Tuy nhiên, cách đây vài năm, đôi vợ chồng trẻ này đã trải qua một chuyện kinh hoàng.
Năm 2019, họ làm nông ở Việt Nam trong những tháng mùa vụ, lúc nông nhàn, họ sang Trung Quốc để làm các công việc thời vụ như công nhân xây dựng và lao công. Một ngày tháng 2 năm 2019, khi đang ở Lào Cai một tỉnh, giáp Trung Quốc, Saola và Như** (một cô gái trẻ khác), đã bị lừa bán sang một Trung Quốc (mà giờ họ chỉ còn có thể nhớ tên là là “La Xi”).
Họ đã kháng cự quyết liệt khi thấy sắp bị những kẻ buôn người ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc.
“Lúc đó họ bắt em lấy chồng Trung Quốc nhưng em không chịu. Em chỉ muốn về với chồng và con của em thôi”.
— Saola kể, cô hãi hùng khi nhớ lại trải nghiệm này.
Công an tại Mường Chà cho biết, với thủ đoạn hết sức tinh vi và khó lường, tội phạm mua bán người thường trà trộn và sinh sống dài ngày tại địa bàn vùng cao. Chúng sử dụng điện thoại, mạng xã hội để tiếp cận, lợi dụng người dân, đa phần là phụ nữ người dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, hoặc không biết chữ, không có hiểu biết về các kiến thức xã hội nên dễ bị lừa.
Saola nhớ lại, ngày đầu tiên sau hôm bị bắt, cô giả vờ ốm và đói, cô xin đi mua cơm. Hai người đàn ông canh giữ họ không đồng ý, chúng giữ Như đi theo để ra ngoài mua cơm cho cô. Saola còn lại một mình ở phòng nên đã tìm cách trốn và thoát được.
Cô chạy thục mạng hơn một cây số thì ra được tới đường lớn và thấy một công trường xây dựng. Saola vội vàng kể chuyện mình bị lừa qua biên giới ra sao cho những công nhân ở đó nghe, họ là người Mông Trung Quốc nên có thể hiểu những điều cô kể. Nhóm công nhân này đã hỗ trợ đưa Saola đến đồn công an Trung Quốc gần nhất để trình báo.
Sau đó công an Trung Quốc giữ cô lại một ngày để điều tra thông tin, rồi họ dẫn cô về Lào Cai để bàn giao cho công an Việt Nam. Tại đây Saola đã mượn được điện thoại của công an để gọi điện cho chồng cô. Những ngày hôm đó, theo chồng cô kể lại, anh đã rất lo lắng khi đi làm về không thấy cô, anh tìm đủ mọi cách đều không liên lạc được. Đi khắp nơi mà không thấy Saola, anh quyết định về quê để tìm cô. Khi đang qua huyện Mường Lay (chỉ cách quê nhà 30km) thì anh nhận được cuộc gọi của vợ, anh liền quay lại đón cô.
Trong khi Saola may mắn có thể trốn thoát khỏi những kẻ buôn người chỉ trong vài ngày, Như đã bị giữ lại Trung Quốc một năm cho đến khi cảnh sát giải cứu cho cô. Mường Chà, nơi Saola và chồng sinh sống, là một huyện thuộc tỉnh Điện Biên, nằm ở khu vực phía Tây Bắc Việt Nam. Đây là huyện gần Trung Quốc và có chung cửa khẩu biên giới với Lào. Nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ về buôn bán người, trong khi đó người dân địa phương vẫn còn thiếu kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân.
Thiếu tá Hoàng Văn Dân, Đội trưởng Đội Hình sự, Kinh tế, Ma túy thuộc Công an huyện Mường Chà cho biết: “Hoạt động của tội phạm mua bán người tại Điện Biên diễn ra khá phức tạp, nhức nhối. Phần lớn các vụ án mua bán người xảy ra tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trong đó có các thôn bản thuộc huyện Mường Chà. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 4 năm (2015-2019), đã có hơn 300 trường hợp phụ nữ, trẻ vị thành niên hoặc bé gái vắng mặt khỏi địa bàn, khả năng họ bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc là rất cao.”
Với mong muốn giúp đỡ những người trở về như Saola có sinh kế bền vững hơn, tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (World Vision International tại Việt Nam) đã hỗ trợ cô một con bò và những vật liệu xây dựng chuồng trại cần thiết. Đây là một trong những can thiệp của World Vision trong dự án “Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái” (2020-2023) do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ.
Saola được hỗ trợ một con bò và những vật liệu xây dựng chuồng trại cần thiết để xây dựng sinh kế bền vững hơn.
Saola lần đầu tham gia vào Nhóm Tiết kiệm của World Vision vào năm 2020. Lúc đầu, cô không đặt nhiều niềm tin vào Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cũng như các hoạt động của nhóm vì cho rằng sẽ không ích gì khi mọi người chỉ đóng góp một vài đồng vào quỹ tiết kiệm. Tuy nhiên, dần dần, khi nhận thấy tính hiệu quả của quỹ tiết kiệm đối với các hộ gia đình rõ rệt hơn, Saola đã thay đổi suy nghĩ và ngày càng tin tưởng hơn vào World Vision. Cô từng mượn tiền của nhóm để mua vật liệu xây nhà, từng chút một.
Saola cũng đã nuôi và nhân giống thành công một đàn gồm 4 con bò từ bò mẹ đầu tiên được dự án hỗ trợ.
Từ năm 2021 đến năm 2022, Saola đã trở thành trưởng Nhóm Tiết Kiệm của xã. “Tôi đã rất vui khi được tham gia các hoạt động của Nhóm Tiết Kiệm với tư cách là trưởng nhóm. Tôi được các nhân viên của tổ chức Tầm nhìn Thế giới hướng dẫn về cách lãnh đạo và vận hành nhóm sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, tôi cũng biết được thêm những kiến thức bổ ích về bình đẳng giới, phòng chống mua bán người và chăn nuôi.” — Saola chia sẻ.
Khi nghĩ về các con, Saola mong muốn chúng lớn lên thật tốt: “Tôi thấy các con mình rất may mắn khi được tham gia Câu Lạc Bộ trẻ em của Tầm nhìn Thế giới và được chăm sóc chu đáo ở trường.”
Chính quyền địa phương đã mời Saola và Như chia sẻ câu chuyện của họ rộng rãi tới mọi người ở bản, trong nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng, như các cuộc đối thoại của người dân với ban quản lý địa phương hay các sự kiện hội chợ việc làm. Những khởi xướng này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn buôn bán người, đồng thời tăng sự cảm thông của cộng đồng và giảm bớt phân biệt đối xử hay kỳ thị đối với những người trở về sau khi bị buôn người.
----
*: danh tính của nhân vật đã được thay đổi