Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong nỗ lực phòng chống thực trạng lao động trẻ em (LĐTE) thông qua việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật chặt chẽ, phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như triển khai những chương trình, dự án phòng chống lao động trẻ em từ trung ương tới địa phương.

 

Tuy nhiên, thực trạng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại, đặc biệt tại khu vực kinh tế phi chính thức. Theo Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em năm 2018 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 1.031.944 trẻ trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em, trong số đó 20,1% trẻ làm việc hơn 40 giờ một tuần, và gần 50,4% trẻ phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

 

Bên cạnh những cách thức truyền thống, lao động trẻ em đang tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi, khó lường hơn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ tại Việt Nam làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của trẻ em trước các nguy cơ bị bóc lột và xâm hại trên không gian mạng. Theo thống kê từ Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC) của Mỹ, có hơn 700.000 vụ báo cáo liên quan tới Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh hoặc video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng - đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.

 

Được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ, dự án “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu” (Dự án ACE) hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam nhằm xử lý và ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu. Đã được triển khai tại Philippines từ năm 2019 và đem lại nhiều kết quả tích cực, dự án góp phần thể hiện cam kết của World Vision Việt Nam và toàn cầu trong mục tiêu hướng tới một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa cho mọi trẻ em.

 

Tại Việt Nam, dự án kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả: 

 

  • Tăng cường việc thực thi quy định luật pháp, chính sách liên quan đến các hình thức LĐTE trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng (BLTDTE-MTM), và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu;
  • Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho các nạn nhân LĐTE, BLTDTE-MTM;
  • Tăng cường quan hệ đối tác để đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề liên quan.

 

Năm nhóm hoạt động chính của dự án:

  • Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về các dịch vụ cho trẻ em có nguy cơ và nạn nhân của LĐTE, BLTD-MTM;
  • Hoạt động nâng cao năng lực cho Ban Bảo vệ trẻ em, các cán bộ công tác xã hội và cán bộ cung cấp dịch vụ;
  • Can thiệp trực tiếp tại cộng đồng nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ và nạn nhân của LĐTE, BLTDTE-MTM theo nhu cầu thực tế, đồng thời triển khai các mô hình vãng gia, quản lý ca và các dịch vụ chuyển tuyến, xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cấp huyện…
  • Phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp cùng các đơn vị có liên quan nhằm hợp tác để phát hiện, loại bỏ và xử lý các nội dung BLTDTE-MTM, đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm về giải quyết vấn đề LĐTE.
  • Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em thông qua việc xây dựng công cụ giám sát LĐTE tại cộng đồng, rà soát bộ tiêu chí xác định LĐTE và quy trình hỗ trợ cho trẻ bị ảnh hưởng, đồng thời thúc đẩy cơ chế báo cáo và chuyển tuyến.

 

Ngân sách

USD 2.400.000

 

Nhà tài trợ

Bộ Lao động Hoa Kỳ

 

Thời gian

4/2022 - 9/2024

 

Địa bàn thực hiện

Quảng Nam, Điện Biên, TP. Đà Nẵng

 

Người thụ hưởng trực tiếp

Trẻ em có nguy cơ và nạn nhân của lao động trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

 

Các đối tác

  • Bộ Lao động Hoa Kỳ
  • Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, thành phố
  • Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố

 

Bản tin dự án

Quý 01 Năm tài chính 23

 

Tổng quan dự án

Để tìm hiểu thêm về Dự án, vui lòng xem thêm tại Tổng quan dự án

0.21452 sec| 2001.258 kb