Chiều nào cũng vậy, Thảo Nguyên lại đưa hai em ra góc sân trước nhà. Người chị lớn vừa đưa mắt trông chừng hai em, vừa ngóng tiếng bố mẹ về.
“Là chị lớn thì phải đỡ đần bố mẹ.”
Là hộ nghèo của huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, gia đình Thảo Nguyên ít ruộng vườn, lại không có nghề chính nên hàng ngày, bố mẹ em lại phải đi làm thuê cách nhà hơn 30 ki-lô-mét. Kinh tế đã khó khăn, con gái thứ hai Hà Ngân còn mắc bệnh tim bẩm sinh, cần phải điều trị bằng thuốc hàng ngày càng khiến bố mẹ em phải nhận làm thêm giờ để trang trải chi phí. Những lúc bố mẹ đi làm, ba chị em Thảo Nguyên được gửi gắm bác hàng xóm đưa đi học, rồi khi tan học lại quanh quẩn trông nhau.
Mới 8 tuổi, Thảo Nguyên đã là người chị lớn chăm lo cho hai em nhỏ khi bố mẹ đi làm xa.
Thấy bố mẹ vất vả, Thảo Nguyên đã sớm ra dáng là chị cả. Dù chỉ mới lên tám, em đã cho các em ăn cơm, uống thuốc một cách thành thạo khi bố mẹ không có nhà. Thương mẹ, thương em nên Thảo Nguyên chẳng bao giờ giận dỗi hay mè nheo vì không được đi chơi cùng các bạn. Nhưng nhiều lúc, trách nhiệm dồn trên vai người chị bé nhỏ khiến em lo lắng. Trong khi các bạn vô tư vui đùa sau giờ học, Nguyên lại nhanh chóng về nhà để lo cho các em. Ít thời gian để nghỉ ngơi, học tập nên kết quả trên lớp của Nguyên có phần đuối hơn các bạn. Những lúc không trả lời được câu hỏi của cô giáo, Nguyên lại càng tự ti; em chỉ muốn thu mình thật nhỏ trong góc lớp. “Cháu buồn và sợ mỗi khi bố mẹ không có nhà, nhưng cháu còn phải trông em nữa,” Thảo Nguyên rụt rè chia sẻ.
Chia sẻ nhỏ, ảnh hưởng lớn
Nhận được thông tin về trường hợp của Thảo Nguyên, World Vision Việt Nam nhanh chóng đưa em vào Chương trình Bảo trợ khi em ba tuổi. Kể từ đó, gia đình Thảo Nguyên có thêm một người bạn mới – cô Cheeng Mee Ki từ Hồng Kông. Và năm nào cũng vậy, cứ đến Tết, Nguyên lại háo hức chờ thiệp và những lời chúc ý nghĩa từ cô. “Mỗi lần nhận được thiệp là cháu rất thích. Cháu sẽ kể với mẹ và nhờ mẹ hướng dẫn viết thư trả lời cô, kể với cô về tình hình sức khoẻ và học tập của cháu,” Thảo Nguyên vui vẻ kể.
Từ khi tham gia Chương trình Bảo trợ của World Vision, năm nào Thảo Nguyên cũng nhận được thiệp chúc mừng năm mới từ cô Cheeng – người bảo trợ của em đến từ Hồng Kông.
Để giúp gia đình phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sinh hoạt, World Vision Việt Nam đã hỗ trợ bố mẹ Thảo Nguyên tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo khép kín, cung cấp con giống, thức ăn gia súc, và tham gia các chương trình hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và quản lý tài chính. Nhờ anh chị chăm sóc tỉ mẩn và chấp hành nghiêm chỉnh các kỹ thuật chăn nuôi khép kín, đàn heo của gia đình vẫn sinh trưởng và tái đàn tốt trong dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2020. Với nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi heo, bố mẹ Thảo Nguyên đỡ lo lắng phần nào với chi phí điều trị của Hà Ngân và học phí cho các con. Mỗi lần bán heo được giá, mấy chị em Nguyên thể nào cũng nhận được đồ dùng học tập hay quần áo mới. Những lúc như vậy, các em vui lắm, cười nói tíu tít một góc nhà.
Năm 2020, gia đình Thảo Nguyên được tập huấn về mô hình chăn nuôi heo khép kín của World Vision và được hỗ trợ con giống, vật liệu, thức ăn để triển khai mô hình tại gia.
"Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan."
Sau khi tham gia các mô hình phát triển sinh kế của World Vision Việt Nam, điều kiện kinh tế của gia đình Thảo Nguyên được cải thiện, và nhờ vậy, bố mẹ em có thêm nhiều thời gian để ở nhà và chăm sóc ba chị em hơn. Chị Đạt, mẹ Thảo Nguyên, cũng bắt đầu tham gia Nhóm Tiết kiệm của World Vision tổ chức dành cho các chị em trong thôn. Chỉ với số tiền đóng góp từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi tháng vào quỹ chung, các thành viên của nhóm luôn có một nguồn vay đáng tin cậy, lãi suất thấp để thu xếp công việc gấp, chẳng hạn như đóng tiền học hay mua thuốc cho con.
Là một thành viên tích cực của Nhóm, chị Đạt đã được các thành viên bình xét cho vay 4.000.000 VND. Với “vốn liếng” ban đầu này và vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè, chị Đạt đã mua được một chiếc máy khâu để nhận may vá và sửa quần áo ngay tại nhà. “Tôi vui lắm vì từ giờ tôi không phải đi làm thuê xa nữa. Tôi sẽ ở nhà chăm lợn gà, sửa quần áo để tiện chăm cho các con đi học,” chị Đạt chia sẻ.
Từ ngày có mẹ ở nhà và chăm sóc mấy chị em, Thảo Nguyên lại được là cô bé hồn nhiên, vui vẻ đúng như tuổi của em. Mặc dù vẫn là cánh tay đắc lực của mẹ, em không còn lúc nào cũng phải là “người chị lớn” nơm nớp lo lắng cho các em nữa. Có thêm thời gian nghỉ ngơi, học tập và chơi đùa cùng các bạn, kết quả trên lớp của Thảo Nguyên tiến bộ rõ rệt. Dần dần, em cũng bước ra khỏi vỏ bọc để kết nối và chơi đùa cùng các bạn trong Câu lạc bộ Trẻ em của World Vision.
“Trước kia, Thảo Nguyên là một cô bé nhút nhát và học chưa tốt. Nhưng giờ em đã mạnh dạn hơn, tiếp thu bài cũng nhanh hơn. Nguyên giờ đã thích đọc truyện cùng các bạn khác và thường xuyên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Trẻ,” chị Ninh, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trẻ em của thôn, nhận xét.
Thảo Nguyên và em gái Hà Ngân rất thích những lúc được cùng mẹ chuẩn bị cơm tối. Sau khi dọn dẹp xong, Mẹ sẽ dạy cho hai chị em những đường may cơ bản trên máy khâu.
Giờ nụ cười tươi đã thay thế cho vẻ lo âu trên gương mặt Thảo Nguyên. Mỗi buổi chiều, em và Hà Ngân lại tíu tít cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa tối. “Giờ có mẹ ở nhà hàng ngày để chăm sóc chị em cháu, cháu vui lắm. Em không còn thấy sợ mỗi khi phải cho em uống thuốc nữa,” Thảo Nguyên bẽn lẽn cười và khoe tấm thiệp em mới nhận được từ người bảo trợ của em. “Cháu muốn gửi lời cảm ơn tới cô Cheeng và chúc cô và gia đình có một năm mới vui vẻ và hạnh phúc.”
“Chúng tôi cảm ơn Tổ chức Tầm nhìn Thế giới vì đã giúp đỡ gia đình chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng để các con được chăm sóc tốt nhất,” chị Đạt chia sẻ.