Nhân ngày Nhân đạo Thế giới năm nay (19/08), World Vision xin được chia sẻ cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang, nhân viên Bảo trợ vùng miền Nam của World Vision International tại Việt Nam (Tầm nhìn Thế giới). Sau quá trình 17 năm gắn bó với World Vision, chị có không ít những kỉ niệm khi làm việc ở một vị trí khá đặc thù, được tiếp xúc và hỗ trợ trực tiếp  trẻ em và cộng đồng. 

 

World Vision: Ấn tượng của chị về World Vision khi bắt đầu công việc tại tổ chức là gì? 

Thuỳ Trang: Năm 2007 khi mình mới ra trường và đang tìm việc, mình được biết có một tổ chức phi chính phủ quốc tế, World Vision, đang cần một nhân sự làm việc trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, cụ thể là Chương trình Bảo trợ Trẻ em và có văn phòng làm việc ngay tại quê nhà (huyện Trà Bồng) nên mình quan tâm ứng tuyển. Mình đã bắt đầu tại World Vision với vị trí thực tập sinh Chương trình Bảo trợ trẻ em như vậy. Ban đầu mình thấy môi trường làm việc khá lạ lẫm, văn phòng được trang bị nhiều công cụ làm việc đầy đủ như máy tính, máy ảnh…Cách đây gần 20 năm, trang bị được cho nhân viên những công cụ làm việc như vậy là rất chuyên nghiệp. Mình thậm chí được làm việc ở một phòng riêng nữa, thời đó nhân viên Bảo trợ làm việc tại một phòng riêng để xử lý các hồ sơ và đặt các công cụ làm việc. Sau một thời gian làm ở vị trí thực tập thì mình đã được giữ lại để làm ở một vị trí chính thức, mình rất vui khi những cố gắng được công nhận.  

Khi mình chia sẻ với bạn bè về việc mình làm việc tại Tầm nhìn Thế giới, mọi người rất mừng cho mình và thấy ấn tượng vì mình là một nhân viên của một tổ chức có uy tín lớn.  

 

Thuỳ Trang (áo cam) đang hướng dẫn những trẻ em tham gia Chương trình Bảo trợ viết thư gửi tới các nhà bảo trợ để bày tỏ quan sát cuộc sống của các em. 

 

World Vision: Chị có thể vui lòng chia sẻ thêm về tính chất công việc của mình?  

Thuỳ Trang: Trước khi làm việc tại World Vision, mình chưa từng biết tới loại hình công việc làm việc với trẻ em, cộng đồng, và kết nối với các nhà bảo trợ để tạo ra nguồn lực phát triển cộng đồng như mô hình của tổ chức. Đã trải qua 17 năm làm việc tại Tầm nhìn Thế giới với các công việc khác nhau trong Chương trình Bảo trợ từ thực tập sinh, cho tới nhân viên chính thức tại Chương trình Vùng Trà Bồng, sau đó là nhân viên bảo trợ của vùng miền Nam, mình thấy tất cả công việc của mình đều có chung bản chất như vậy. 

 

World Vision: Chị có thể chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ khi làm việc cùng World Vision? 

Thuỳ Trang: Mình được tiếp xúc với nhiều trẻ em có hoàn cảnh khác nhau và nhận thấy số lượng rất lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần theo dõi và hỗ trợ thêm. Nhiều lúc mình có mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nhưng nguồn lực có hạn. Các anh chị em nhân viên của tổ chức mình cũng nỗ lực làm việc với địa phương để tìm thêm các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ.  

 

Mình còn nhớ hồi năm 2014, mình từng cùng một bạn Điều phối viên phát triển cộng đồng tại Trà Bồng tổ chức một hoạt động có cả sự tham gia của nhóm trẻ người địa phương, các em đều là trẻ được tham gia Chương trình Bảo trợ. Nhóm trẻ rất năng động và có năng khiếu trong các phần tổ chức hay trình diễn sân khấu nhằm chia sẻ những lợi ích từ chương trình Bảo trợ của World Vision mà các em nhận thức được. Các chủ đề thường xuyên được truyền thông tới các thôn bản ở xa qua hình thức sân khấu hoá có thể kể đến như: Chương trình Bảo trợ của World Vision, Phòng tránh tảo hôn, Bảo vệ môi trường… Hoạt động truyền thông phải diễn ra vào buổi tối vì đây là thời gian duy nhất trong ngày tất cả người dân đều ở nhà và không quá bận rộn, nên họ đều có thể tham gia.  

Khi tổ chức các hoạt động này, nhóm trẻ em cũng chỉ nhận được một chút hỗ trợ khiêm tốn về vật chất, dù vậy các em đều rất nhiệt tình tham gia và chủ động lên kế hoạch. Khi tất cả chúng mình làm việc với cả trái tim thì rất hạnh phúc. 

 

 

Nhóm trẻ Bảo trợ tham gia tổ chức các buổi trình diễn kịch, tiểu phẩm ở các thôn bản xa xôi 

của huyện Trà Bồng để truyền thông các chủ đề về Chương trình Bảo trợ và Kỹ năng sống cho trẻ em. 

 

Một kỷ niệm khác gắn với các nhà bảo trợ, đó là hồi năm 2019. Khi kết thúc thời gian bảo trợ cho trẻ, một nhà bảo trợ đã có chuyến thăm trực tiếp em nhỏ đó lần cuối. Khi nhà bảo trợ gặp được trẻ, mọi người trong đoàn đều khóc vì thấy được tình yêu thương của nhà bảo trợ dành cho trẻ em. Chuyến thăm nào cũng xúc động, ý nghĩa.  

Nếu có thể tăng cường truyền thông để giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc kết nối trẻ em với các nhà bảo trợ bốn phương, tấm lòng của các nhà bảo trợ dành cho trẻ em và ý nghĩa của các nguồn lực phát triển cộng đồng thì sẽ thật tốt.  

 

World Vision: Có những khó khăn nào chị đã trải qua khi làm công việc này? 

Thuỳ Trang: Trong công việc luôn có những khó khăn và thử thách cần vượt qua, những lúc đó mình tâm niệm rằng dù với những đóng góp nhỏ bé, mình cũng đang mang lại thêm hi vọng cho trẻ em và cộng đồng. 

Mình còn nhớ những ngày đầu khi làm việc tại Chương trình Vùng Trà Bồng, khi đến thăm trẻ Bảo trợ phải băng qua những con đường đường đất, lội sông lội suối. Sau này, đường sá mới được đổ nhựa và cải thiện dần. Một trong những kỉ niệm mình còn nhớ là trong một những chuyến thăm trẻ cùng anh quản lý Chương trình Vùng của mình hồi đó, hai anh em đi vào một thôn xa bằng xe máy, đường rất khó đi. Với đặc thù của công việc Bảo trợ, mình cần đến thăm và chụp hình để cập nhật tình hình của trẻ cho nhà bảo trợ ít nhất một năm một lần. Ngày hôm đó, chúng mình đi qua những con dốc và xe máy không thể lên khi  cả hai ngồi trên xe, nên mình phải xuống xe và lội bộ đến hụt hơi mới lên khỏi những con dốc. Khi tới được nơi để gặp em nhỏ đó thì em núp không ra gặp người lạ và cũng không cho chụp hình. Lúc đó, hai anh em đành phải ra về tay không. 

 

Tuy có nhiều nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng hiểu được đặc thù của công việc này, mình và các anh chị em nhân viên khác trong tổ chức cũng không hề nề hà và tìm cách hoàn thành những mục tiêu. 

 

World Vision: Lí do nào khiến chị gắn bó được lâu dài với công việc? 

Thuỳ Trang: Ban đầu mình đã có ấn tượng tốt về World Vision. Sau này trong công việc mình cũng trải qua nhiều biến cố nhưng vẫn có những điều khiến mình gắn bó với tổ chức. 

Môi trường làm việc của World Vision khiến mình có cảm giác được hỗ trợ và ứng xử với nhau như những người bạn, mọi người được tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhất công việc. Các anh chị cấp trên đều thân thiện với nhân viên, mọi người hầu như không có áp lực về mối quan hệ sếp-nhân viên. Có áp lực thì đó là đến từ trách nhiệm với công việc.  

Tính liêm chính của tổ chức cũng là một trong những lí do mình yêu quý công việc này, nó giúp mình ngủ rất ngon. Vì có sự minh bạch, làm việc với cái tâm nên về mặt tâm lý, mình khá thoải mái. 

Mặc dù vậy nhiều lúc  đi ngủ mình cũng mơ về công việc, về những áp lực lớn và khối lượng công việc cần phải hoàn thành. Những lúc đó mình học hỏi thêm từ các đồng nghiệp, hay từ các khoá học, coi áp lực là động lực. 

 

Sau khi sinh con, cũng có lúc mình cảm thấy khó để tiếp tục duy trì công việc này do con mình lúc đó còn nhỏ, cần nhiều sự chăm sóc trong khi tính chất công việc yêu cầu phải đi rất nhiều, chỉ về thăm nhà được vào cuối tuần. Lúc đó mình trình bày hoàn cảnh với cấp trên và đã được sắp xếp chế độ làm việc tại nhà trong khoảng thời gian đó. Mình cảm thấy luôn được tổ chức để tâm hỗ trợ.  

 

 

World Vision: Chị có thể chia sẻ thêm về cách cấp trên và tổ chức hỗ trợ nhân viên tại nơi làm việc không? 

Thuỳ Trang: Mình khá may mắn khi được làm việc với những người sếp khác nhau, có điểm chung là họ luôn hỗ trợ nhân viên và hiểu nhân viên. Họ cũng trao quyền và thách thức mình trong công việc.  

Quản lý là những người có tầm nhìn rộng, có phong cách quản lý cũng rất khác nhau để đưa cả nhóm đạt được mục tiêu chung trong công việc. Mỗi người trong nhóm cũng hiểu được vai trò của mình và tự chủ trong công việc. Hoạt động nào cần sự hỗ trợ của cấp trên và đồng nghiệp thì chúng mình nêu lên để cùng tìm cách. Ví dụ như có những hoạt động ở Chương trình Vùng huyện mình mới thực hiện lần đầu nên còn nhiều bỡ ngỡ, trong khi đó, ở Chương trình Vùng huyện khác đã xử lý được rồi thì có thể học tập lẫn nhau. Việc cấp trên luôn kết nối và quan tâm mọi người thường xuyên giúp nhân viên và nhóm làm việc có thể hỗ trợ được lẫn nhau.  

 

World Vision: Chị có điều gì khác muốn chia sẻ không? 

Thuỳ Trang: Trong công việc, khi mình đã nhận một nhiệm vụ thì mình có cách tiếp cận tích cực để hoàn thành. 

Mình sẽ không thấy dễ chịu mỗi khi xuất hiện vấn đề, có người khác bàn lùi. Có những việc cần phải được thực hiện dù khó khăn, không thể lùi hay hoãn được.  

Tuy vậy mình cũng hiểu, mỗi người sẽ có một giới hạn khác nhau. Khi chọn đồng hành cùng tổ chức thì mình xác định mình sẽ có sự kiên trì và chia sẻ, mỗi vấn đề đều có thể được giải quyết nếu đội nhóm đồng lòng. Nhìn ra xung quanh, mình thấy những đồng nghiệp của mình cũng rất có năng lực, và cấp trên có cường độ làm việc thật đang nể, vì vậy mình luôn cố gắng trau dồi bản thân.  

 

Hi vọng những bạn đã chọn làm việc trong một tổ chức phát triển cộng đồng cũng hiểu được không có nỗ lực nào lãng phí. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.38271 sec| 2194.25 kb