“Hồi nhỏ, bố mẹ cũng dạy mình bằng roi vọt như vậy", chị Lò Thị Sọn, 33 tuổi, sống tại huyện miền núi Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ khi kể về quãng thời gian trong quá khứ, chị thường “dạy con" bằng những phương thức bạo lực. Ngày đó, chồng chị đi làm ăn xa, một mình chị Sọn phải đảm đương việc nhà lẫn nuôi dạy con cái. Sự vất vả, áp lực khiến chị dễ nổi nóng. 

  

Nhi là con gái lớn của chị Sọn, em năm nay 14 tuổi, trước kia từng trải qua khoảng thời gian căng thẳng khi thường xuyên bị mẹ phạt. Không chỉ là những lời mắng mỏ, Nhi còn phải hứng chịu các hình phạt thể chất vì những lỗi em gây ra. Nhi sợ hãi đến độ mỗi khi nhận ra mình làm sai điều gì, em lại chạy sang nhà bà ngoại, đến khuya mới dám về nhà, hy vọng khi đó mẹ đã nguôi ngoai. "Cháu nhớ một lần năm học lớp bốn, hôm đó được tan học sớm nên cháu đi chơi với các bạn đến chiều muộn, không biết mẹ đã chờ và đi tìm cháu. Đến khi về nhà, cháu bị mẹ tát chảy cả máu mồm”, Nhi nhớ lại câu chuyện. 

“Nếu có thể quay lại thời điểm đó, tôi sẽ dùng phương pháp ‘thời gian tạm lắng’ và đi làm việc khác, thay vì tập trung vào những lỗi lầm của cháu Nhi”. 'Thời gian tạm lắng' là một phương pháp mà chị Sọn đã học được từ lớp Gia đình Toàn mỹ của World Vision - nhằm tránh xảy ra những hành động và lời nói thiếu kiểm soát khi một người đang không giữ được bình tĩnh. Từ khi tham gia lớp, chị Sọn hiểu được tầm quan trọng của việc kiềm chế cơn nóng giận, nhất là khi con mắc lỗi và nuôi dạy con một cách tích cực. Giờ đây thay vì quát mắng, đánh đòn, chị Sọn luôn kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng làm bạn với các con. Nhờ thế mà Nhi và em trai mình cảm thấy dễ mở lòng hơn để chia sẻ tâm tư, cảm xúc của mình với bố mẹ.  

Chị Sọn tích cực tham gia lớp học Gia đình Toàn mỹ, kể từ đó chị cảm thấy mối quan hệ của mình và con gái Nhi dần dần được hàn gắn. Chị trở thành một người mẹ, người vợ biết lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong gia đình. Từng coi bạo lực như một phương pháp nuôi dạy con, giờ đây chị Sọn đã trở thành tấm gương điển hình để truyền đi thông điệp phi bạo lực. Từ tháng 12 năm 2019, chị Sọn tham gia đứng lớp Gia đình Toàn mỹ để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân tới các gia đình khác trong thôn. Chị muốn thay đổi tư duy sử dụng đòn roi để nuôi dạy con, vốn đã bén rễ trong nhiều gia đình tại cộng đồng của mình. Chị Sọn chia sẻ: “Tôi rất mừng khi các thành viên của lớp học tự tin chia sẻ câu chuyện của gia đình họ, và hạnh phúc hơn khi thấy những đổi thay tích cực qua từng ngày”. 

  

“Có một chị trong thôn, mà chồng chị hay ghen lắm, nhất là mỗi khi đi ra ngoài một mình hay thậm chí đến lớp học. Anh chồng hồi đó còn hay chửi bới, đánh vợ, vậy mà từ khi được vận động tham gia lớp học, anh này hoàn toàn thay đổi. Giờ họ sống với nhau rất yên bình, lại hiểu nhau hơn”, chị Sọn tự hào chia sẻ về câu chuyện của một gia đình trong lớp học. 

  

Cũng giống như mẹ mình, Nhi tích cực tuyên truyền chống lại các hành vi bạo lực ở trường học và cộng đồng nơi em ở. Nhi là thành viên Câu lạc bộ Trẻ em của World Vision từ năm 8 tuổi, ở đây em được học các kỹ năng sống cho trẻ em, trong đó có cách ngăn chặn và đối phó với hành vi bạo lực. Dần dần, Nhi cảm thấy tự tin để chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình với bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Chính sự tự tin có được này cũng đã biến Nhi trở thành một cô bé năng động, dám thể hiện bản thân trước đám đông. Nhi tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, em cũng đứng ra tổ chức và lãnh đạo Câu lạc bộ Trẻ em trong thôn. Ở đây Nhi có cơ hội để chia sẻ tới bạn bè mình những kỹ năng đã được học như giải quyết vấn đề, bảo vệ bản thân trước những điều xấu. 

 

Nhi kêu gọi bạn bè của mình đứng lên chống lại bạo lực và giải quyết mâu thuẫn thông qua việc đối thoại. “Trong lớp cháu có hai bạn nam thường xuyên cãi vã và nhiều lần suýt đánh nhau. Một ngày nọ, tình hình đang rất căng thẳng thì cháu đến và khuyên hai bạn bình tĩnh để nói chuyện. Thật bất ngờ khi không những căng thẳng đã được dập tắt mà bây giờ hai bạn đó trở thành bạn thân của nhau”, Nhi tự hào kể lại. 

Hiện tại, cả chị Sọn và con gái Nhi đều mong muốn được tiếp tục đóng góp vào việc lan tỏa thông điệp phi bạo lực trong cộng đồng. Cả hai mẹ con đồng ý rằng mọi trẻ em đều xứng đáng được sống trong hòa bình và yêu thương, dù là ở nhà hay trường học. 

  

 

 

0.03470 sec| 2161.969 kb