…Vừa tiếp chuyện với khách, Thắng vừa thoăn thoắt tách hạt ngô bằng tay trái. Có ai nghĩ rằng chỉ cách đây mười năm, cậu bé lạc quan, hay cười này đã từng phải chiến đấu để giành lại sự sống cho mình?

 

Thắng và các em tham gia Chương trình Bảo trợ của World Vision Việt Nam tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên từ năm 2013 (Ảnh: Nam Ngô). 

 

Hệ quả đau lòng từ một trò chơi trẻ con

Thấy con trai cả lém lỉnh, hoạt bát và biết yêu thương các em, Anh Dế và chị Sính mừng lắm. Là một gia đình người Mông thuộc diện nghèo của xã Pú Nhung, hai anh chị cả ngày đầu tắt mặt tối đi làm nương, làm thuê cho người ta mà cũng chỉ đủ ăn. Những lúc bố mẹ đi làm, ba anh em Thắng lại ở nhà tự trông nom, bảo ban nhau.

 

Đầu năm 2013 khi Thắng lên 8 tuổi, lúc đó đang là mùa nhót chín, Thắng và các bạn rủ nhau leo cây nhót đầu bản hái quả ăn. Cành gãy, Thắng trượt chân ngã và bị cành nhọn đâm vào mắt trái. Em liền được đưa ra trạm y tế xã sơ cứu vết thương và đưa về nhà. Nhưng sau đó, mắt Thắng cứ sưng to một cách đáng ngại. Sau vài ngày, không hiểu sao đến mắt phải của em cũng tối sầm, và rồi Thắng cứ lịm đi sau các cơn sốt cao không dứt.

 

Đồng hành bằng sự thấu hiểu và kiên trì

Nhận được thông tin về tình trạng của Thắng, các cán bộ World Vision Việt Nam tại huyện Tuần Giáo lập tức hối thúc gia đình đưa em đi bệnh viện. Thấy con thiêm thiếp không tỉnh, bố mẹ Thắng nghĩ rằng con đã bị ma bắt rồi nên nhất định giữ em ở nhà để thầy cúng làm lễ.

 

“Khi đó, Thắng mới trở thành trẻ bảo trợ của World Vision Việt Nam, cháu lại trong tình trạng nguy kịch như vậy nên chúng tôi vô cùng lo lắng. Bản thân tôi cũng có con tầm tuổi Thắng nên tôi hiểu rằng bố mẹ cháu yêu cháu hơn ai hết. Vậy nên lúc đó chúng tôi đã thử thuyết phục bằng cách để anh chị thực hiện cúng lễ theo đúng tín ngưỡng trong khi chúng tôi đưa Thắng đi bệnh viện,” bà Nguyễn Thị Hương Giang, Quản lý Chương trình Vùng Tuần Giáo – World Vision Việt Nam, chia sẻ.

 

“Lúc đó, thầy cúng cũng nói con ma nó không thả thằng Thắng đâu, gia đình tôi cũng nghĩ cháu đã hết hy vọng rồi. Nhưng các anh chị bên ‘Tầm nhìn’ vẫn tiếp tục đến động viên chúng tôi cho cháu đi chữa bệnh ở Hà Nội. Tôi nghĩ thôi đằng nào con cũng thế này rồi, có khi đưa đi lại có hi vọng,” anh Dế nhớ lại.

 

Được sự đồng ý của gia đình, World Vision Việt Nam nhanh chóng thu xếp đưa Thắng xuống Hà Nội cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Hoá ra, vẫn còn một khúc cây dài 2cm cắm sâu trong bán cầu não trái của Thắng và gây ra những tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Sau khi được phẫu thuật kịp thời và điều trị tích cực gần một tháng, Thắng đã tỉnh và lấy lại thị giác của mắt phải. Nhưng di chứng từ tai nạn khiến Thắng hỏng vĩnh viễn mắt trái và liệt nửa người bên phải.

 

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bác sĩ nói rằng, Thắng có khả năng phục hồi một phần chức năng vận động nếu được vật lý trị liệu và chăm chỉ luyện tập lâu dài. Nhưng điều trị lâu dài trên thành phố thì tốn kém, mà anh chị cũng không đành lòng nhìn con trai phải nằm liệt cả đời. Vì vậy, anh Dế quyết tâm hỏi han rồi mày mò róc và mài nhẵn tre để làm xà tập quanh nhà cho Thắng tập đi. Nhiều khi ngã đến bầm cả người nhưng Thắng vẫn quyết tâm luyện tập, và sau hai năm, em đã có thể chập chững đi mà không cần nạng.

 

Đi lại được đã là cả một thành tựu lớn, nhưng với một cậu bé hiếu động như Thắng, em vẫn ao ước có thể được đi học và chơi đùa cùng các bạn như ngày trước. Ban ngày, bố mẹ và hai em đi làm, đi học hết, Thắng chỉ có thể quanh quẩn ở nhà chơi một mình. Vậy nên mỗi khi tổ chức hoạt động tại cộng đồng, các cán bộ World Vision lại đến thăm và trò chuyện cùng em. Những lúc đó Thắng vui lắm, em cứ cười nói mãi.

 

“Các cô ơi, con muốn được đi học. Con muốn khỏi chân tay để giúp đỡ bố mẹ. Con thương bố mẹ lắm” – Thắng nói như sắp khóc với cán bộ Bảo trợ của World Vision. Nhưng tại thời điểm đó, khắp cả huyện Tuần Giáo không có cơ sở giáo dục đặc biệt nào cả. Thương con, bố mẹ Thắng đã thử xin học cho em tại trường tiểu học xã nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng nhà trường không có điều kiện để chăm sóc cho những trường hợp “nặng” như Thắng.

 

Tại Việt Nam, 43% trẻ em khuyết tật sống trong tình trạng nghèo đa chiều và thiếu điều kiện cơ bản như an ninh lương thực, y tế, và giáo dục. Trong tổng số 1,3 triệu trẻ khuyết tật, cứ 10 em thì chỉ có 01 em được học lên trung học do không thể tiếp cận với dịch vụ và hỗ trợ hoà nhập xã hội khi cần thiết. (UNICEF Việt Nam). Với những trẻ vùng cao, các dịch vụ này càng khó khăn hơn, khiến cho ước mơ được tiếp tục đi học của Thắng càng thật xa vời.

 

Thời điểm đó, World Vision Việt Nam đang triển khai các sáng kiến vận động chính sách và tập huấn về Giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật tại huyện Tuần Giáo. Sau nhiều tháng làm việc cùng Ban Giám Hiệu trường tiểu học xã và Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, World Vision Việt Nam đã vận động thành công để Thắng được quay trở lại trường học. Lúc này, nhằm giúp em đến trường đỡ vất vả và chủ động hơn trong sinh hoạt, World Vision cũng tặng Thắng một chiếc xe lăn. Bên cạnh đó, anh Dế - chị Sính cũng nhận được những hỗ trợ của World Vision để phát triển sinh kế gia đình, chẳng hạn như bò giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Sau vài năm, bằng sự kiên trì và chăm chỉ, anh chị đã mở rộng mô hình và chăn nuôi thêm heo đen, gà và thỏ. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh chị cũng dần ổn định hơn.

 

Thông qua sự hỗ trợ của World Vision, Thắng được quay trở lại trường và tiếp tục học tập vào năm 2015, ba năm sau khi tai nạn xảy ra.

 

Quay lại trường học sau ba năm ngắt quãng thật không hề đơn giản, nhất là khi Thắng không còn sử dụng được tay hay chân phải nữa. Em phải học lại tất cả từ đầu, từ tập viết bằng tay trái cho đến tự chăm sóc bản thân. Nhưng dù vất vả, Thắng vẫn vui lắm vì em được đi học, mà còn được học là còn có hy vọng cho tương lai rồi. Quan trọng hơn cả, Thắng luôn có gia đình, bạn bè, thầy cô và các cô chú ‘Tầm nhìn’ ở cạnh yêu thương và hỗ trợ em.

 

Một tương lai với nhiều dự định

Mười năm đã trôi qua, ở tuổi 18, Thắng đang học lớp 10 cùng em trai Chiến tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo và chỉ về thăm nhà vào cuối tuần. Sau nhiều năm nỗ lực luyện tập, Thắng đã có thể tự chăm sóc cho bản thân và chủ động được những công việc đơn giản khi học xa nhà. Hơn nữa, bên cạnh Thắng còn có Chiến luôn chăm sóc và ủng hộ anh trai.

 

“Trong suốt những năm qua đồng hành cùng Thắng, tất cả cán bộ World Vision chúng tôi tại Tuần Giáo đều coi Thắng như con em trong nhà. Cho đến bây giờ, Chương trình vùng vẫn thường xuyên thăm hỏi gia đình Thắng và có những hỗ trợ, can thiệp phù hợp. World Vision Việt Nam đang nỗ lực phối hợp cùng Phòng Giáo dục & Đào tạo, Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội và các trung tâm giáo dục đặc biệt tại huyện Tuần Giáo trong công tác truyền thông và vận động để mọi trẻ em đều được tiếp cận với cơ hội học tập một cách bình đẳng, đặc biệt là những trẻ dễ bị tổn thương nhất,” bà Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.

 

Trong những năm qua, World Vision đồng hành cùng gia đình Thắng và có những hỗ trợ phù hợp để gia đình phát triển sinh kế.

 

Như bạn bè cùng trang lứa, Thắng thích sử dụng mạng xã hội và ấp ủ xây dựng kênh YouTube của riêng mình. Với chiếc điện thoại thông minh đã cũ, Thắng chăm chỉ quay và chia sẻ các video em hát bằng tiếng Mông và cuộc sống của hai anh em tại kí túc xá. Hiện tại, kênh YouTube của Thắng đã có khoảng vài trăm người theo dõi. “Em vừa mua một cái mic thu 40.000 đồng. Em chắc là YouTuber nghèo nhất Việt Nam rồi,” Thắng cười và bước chầm chậm ra lối đi nhỏ trước nhà. Nhận thấy con đường đất vào nhà Thắng còn gồ ghề và gây cho em nhiều bất tiện, hè năm 2022, World Vision và hàng xóm đã hỗ trợ san phẳng và đổ bê tông một đoạn đường dài 15m từ sân nhà ra đến đường lớn để Thắng có thể đi lại và sử dụng xe lăn an toàn hơn, đặc biệt là vào mùa mưa khi đường trơn trượt, khó đi.

 

“Kênh YouTube sẽ là công việc phụ của em thôi. Nhà em nuôi thỏ được mấy năm nay rồi. Em thấy thỏ xinh, thịt ngon mà còn bán được giá nữa, vậy nên em muốn cùng em trai làm một trang trại thỏ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bọn em sẽ bắt đầu lên kế hoạch dần,” Thắng hào hứng chia sẻ về dự định sắp tới của mình.

 

Năm 2022, World Vision Việt Nam và cộng đồng đã cùng hỗ trợ san bằng và đổ bê tông đường vào nhà Thắng để Thắng đi lại và sử dụng xe lăn an toàn hơn (Ảnh: Nam Ngô).

 

Cũng như Thắng, mỗi năm, có khoảng 220.000 trẻ em trên cả nước đã có những thay đổi tích cực trong cuộc sống và cơ hội học tập thông qua các can thiệp và hỗ trợ của World Vision. Trong suốt 35 năm hoạt động tại Việt Nam, World Vision đã miệt mài cùng các đối tác và cộng đồng nỗ lực để thu nhỏ khoảng cách cơ hội và xoá bỏ bất bình đẳng về kinh tế, giáo dục, chăm sóc y tế cho cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương để mọi trẻ em được lớn lên khoẻ mạnh, tích cực và phát huy hết tiềm năng của mình.

 

0.03567 sec| 2193.227 kb