Đầu năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khiến nhiều gia đình ở huyện Như Xuân (Thanh Hoá) mất trắng. Vì vậy, khi nhận được tám con lợn giống từ Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị, anh Vũ Đình Hoàng không khỏi băn khoăn liệu đàn lợn có sống nổi qua đợt dịch. Thật may mắn là nhờ sự tập huấn bài bản từ khâu làm chuồng, vệ sinh đến tiêm phòng vắc xin, đàn lợn của anh Hoàng vẫn sống khoẻ mạnh và cho năng suất cao. Gia đình anh Hoàng là một trong hàng trăm hộ nông dân nghèo tham gia Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị do Tập đoàn Mavin và Tổ chức World Vision Việt Nam ) phối hợp thực hiện từ năm 2019 tại tỉnh Thanh Hoá.

 

“Trước đây, gia đình chưa từng nuôi nhiều lợn thịt như vậy. Tôi chỉ nuôi giống địa phương, cho ăn ngô, lúa, rau lang, chuối… rồi thịt để nhà ăn. Tôi cũng không bao giờ dùng vắc xin cho lợn vì quan niệm phải là lợn được chăn nuôi tự nhiên, chỉ ăn ngô sắn mới là lợn sạch, lợn ngon. Nhưng nuôi theo cách này năng suất thấp, mà khi có dịch hoặc thời tiết thay đổi là lợn có thể chết bất cứ lúc nào”, anh Hoàng nhớ lại.

 

Khi tham gia vào  Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị, anh Hoàng cùng những nông hộ khác được tập huấn bài bản về kĩ thuật chăn nuôi khép kín và bền vững: từ khâu làm và vệ sinh chuồng trại, chia khẩu phần ăn theo giai đoạn phát triển  cho đến phòng bệnh cho gia súc bằng vắc xin. Nhờ vậy, đàn lợn nhà anh Hoàng và của các hộ gia đình khác trong chương trình cùng vượt qua được đợt dịch tả lợn vẫn dai dẳng đeo bám Như Xuân và cả nước từ đó.  

 

Sẵn sàng linh hoạt trước những thay đổi

Với số tiền bán lợn từ lần xuất chuồng đầu tiên, anh Hoàng phấn khởi lên kế hoạch mua giống mới, sửa sang lại chuồng nuôi, sắm sửa đồ để các con đến trường. Nhưng quan trọng hơn cả, anh cảm thấy tự tin vào việc chăn nuôi với những kiến thức và kỹ năng mới đã học được.

 

Tuy lứa lợn đầu tiên đã xuất chuồng thành công, kế hoạch tái đàn của anh Hoàng vẫn gặp nhiều trở ngại do những diến biến phức tạp và kéo dài của dịch tả lợn. Lúc này, nhận thấy gia đình có vườn ao rộng, lại có sẵn vốn từ tiền bán lợn, anh Hoàng quyết định thử đầu tư tiền để nuôi gà và vịt trong khuôn khổ Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị của Tập đoàn Mavin và World Vision Việt Nam.  

 

Anh Hoàng tâm đắc: “Nuôi gà, vịt có chi phí đầu vào thấp, đầu ra cũng đảm bảo, giá thành tốt mà gia đình cũng có thể sử dụng làm thức ăn, giúp đảm bảo dinh dưỡng để các con lớn lên khoẻ mạnh”.

 

 

Thật vậy, từ khi bắt đầu nuôi vịt, bữa ăn của gia đình anh Hoàng cũng được cải thiện, đặc biệt là chất lượng dinh dưỡng cho hai cậu con trai  đang tuổi ăn tuổi lớn của anh. “Con thích ăn trứng, ăn đùi gà, ăn ngan, cả thịt lợn nấu ngọt nữa. Mỗi lần bán lợn, gà con rất vui vì bố mẹ sẽ mua cho con quần áo mới và sách vở để đi học,” Hướng, 8 tuổi và Thành, 6 tuổi, bẽn lẽn cười.

 

Tự tin đón nhận các cơ hội mới

“Quá trình triển khai Chương trình thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị gặp không ít cản trở vì dịch bệnh tả lợn. Việc di chuyển con giống từ xa tới địa phương ban đầu cũng khiến cán bộ địa phương và người dân không khỏi quan ngại. Tuy nhiên, Tổ chức World Vision Việt Nam và Tập đoàn Mavin đã làm rất tốt khâu kiểm dịch và tiêm vắc xin trước khi cấp giống, giúp đảm bảo an toàn cho quá trình chăn nuôi và giảm thiểu tối đa các thiệt hại mà dịch bệnh gây ra”, ông Đinh Đình Phú, Phó Chủ tịch xã Bình Lương, huyện Như Xuân chia sẻ.

 

 “Với chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm của World Vision Việt Nam và Tập đoàn Mavin,  Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị đã được triển khai rất bài bản từ khâu lựa chọn đối tượng hưởng lợi, tới khâu cung cấp kiến thức và tập huấn kỹ năng chăn nuôi, rồi hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Thông qua Dự án, bà con có thêm kiến thức, thay đổi tư duy để tự tin chăn nuôi, cải thiện sinh kế. Đặc biệt, trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 khi việc đi lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết thì việc đầu tư phát triển chăn nuôi trên chính quê hương chính là giải pháp sinh kế hiệu quả và bền vững nhất ”, ông Đinh Đình Phú cho biết thêm.

 

 

Những kiến thức và kỹ năng thu nhận được dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia chăn nuôi là cơ sở để anh Hoàng ngày một trau dồi năng lực của bản thân, từ đó tích cực chia sẻ những kinh nghiệm tích luỹ được với các hộ gia đình cũng hưởng lợi từ Chương trình.

 

 “Phần đông người dân ở đây còn chủ quan trong việc phòng bệnh cho vật nuôi. Vì thế, tôi thường chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vắc xin của mình đến mọi người. Trước khi tham gia tập huấn, tôi và nhiều bà con rất coi nhẹ việc phòng bệnh cho vật nuôi. Giờ đây chúng tôi đã biết, sản phẩm sạch là con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, hàm lượng dinh dưỡng chuẩn, chuồng trại sạch, được tiêm phòng đầy đủ”, anh Hoàng nhấn mạnh.

 

“Nguồn thu nhập từ lần đầu tham gia Chương trình  tuy không quá lớn nhưng là nguồn động viên để  gia đình tôi tiếp tục  đầu tư chăn nuôi. Với những kiến thức và kỹ năng thu nhận  được, chúng tôi cảm thấy tự tin và sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, giúp cải thiện sinh kế và đảm bảo an sinh cho các thành viên trong gia đình”, anh Hoàng hào hứng chia sẻ.

 

Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị do Tập đoàn Mavin và World Vision Việt Nam phối hợp thực hiện đã hỗ trợ 106 hộ gia đình tại huyện Như Xuân phát triển chăn nuôi và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Theo sau những thành công bước đầu này, trong năm 2022, Chương trình tiếp tục được triển khai tại huyện Thường Xuân với gói hỗ trợ gồm 12.000 vịt giống, hơn 40 tấn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cùng tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Thông qua Chương trình hợp tác thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi gía trị này, World Vision Việt Nam và tập đoàn Mavin đang hỗ trợ cải thiện sinh kế cho 120 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần cải thiện an sinh và mang lại cho trẻ em một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa.

0.04041 sec| 2232.852 kb