Khi nhìn thấy mẹ nằm cuộn nhỏ một góc trên phản, gương mặt tái đi vì đau đớn, Xa thấy lòng mình chùng xuống. “Tại sao một người phụ nữ có thể gánh vác được cả thế giới giờ đây lại nằm bất động như vậy? Ai sẽ lo tiền thuốc cho mẹ đây? Cả nhà sẽ sống sao bây giờ?” Các câu hỏi nối tiếp nhau ùa đến trong đầu Xa khi trụ cột của cả gia đình gặp tai nạn không thể đi lại được.
Đây là chuyện của Xa – câu chuyện về lòng quyết tâm và sự chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng giúp thay đổi cuộc sống của một bé gái khao khát được đi học.
“Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy.”
Xa mới chỉ 14 tuổi khi tai nạn của mẹ em xảy ra. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Vân Kiều đông con, Xa thường chứng kiến những chị em bằng hay thậm chí ít tuổi hơn em phải nghỉ học để kết hôn theo sự sắp xếp của gia đình. Đây đã là phong tục ở làng của Xa từ bao đời nay. Cả bà nội và bà ngoại Xa đều lấy chồng khi mới 15 tuổi.
Tảo hôn vẫn là một vấn đề nan giải trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều tại các khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị. Trong năm 2021, tỉ lệ tảo hôn chiếm đến 30.27% tổng số các cặp đôi mới kết hôn tại huyện Hướng Hoá. Trên thực tế, tỉ lệ này có thể còn cao hơn nữa vì các gia đình thường cho con làm lễ cưới hỏi trước và chỉ đăng ký kết hôn khi đã đủ tuổi.
Như đa phần các gia đình Vân Kiều khác, mẹ của Xa là trụ cột chính trong nhà nhà ngay từ lúc mới về nhà chồng năm 17 tuổi. Ngay cả lúc sắp sinh, mẹ Xa vẫn phải lên nương rẫy, trong khi bố em mải mê uống rượu cùng hội đàn ông trong bản. Lần nào uống rượu say mèm về, bố Xa lại lôi vợ con ra đánh. Cứ thế, vòng luẩn quẩn này lại lặp lại khi chị lớn của Xa lấy chồng năm 19 tuổi và phải đi làm công nhân để nuôi cả gia đình. Xa không muốn mình cũng sẽ như vậy. Em thường nghĩ xa xăm, chẳng lẽ em cũng sẽ bỏ học, lấy chồng sớm, làm lụng nuôi cả nhà rồi lại chịu đòn roi từ người chồng nát rượu thôi sao?
Bước ngoặt thay đổi
Và Xa đã nghĩ rằng sẽ không có gì thay đổi cho đến một ngày mẹ em bị tai nạn gãy chân. Cuộc sống của cả nhà Xa đảo lộn khi trụ cột chính của gia đình không thể tự đi lại và làm nương rẫy nữa. Có những lúc, trong nhà chẳng còn gì để ăn. Còn mẹ Xa, phần vì kiệt quệ, phần vì không có điều kiện chăm sóc tốt nên đã nằm liệt giường trong suốt một thời gian dài.
“Thôi, nhà mình không chịu được nữa. Cái Xa phải phụ làm thôi”, bố cuối cùng cũng bảo Xa nghỉ học để đi làm thay mẹ. Là người con hiếu thảo nên dù không muốn, Xa vẫn vâng lời. Nhưng em buồn nhiều lắm. Xa nhớ trường lớp, nhớ được làm bài tập, nhớ việc cố gắng chăm chỉ để được điểm tốt, và nhớ cảm giác được hồn nhiên. Trước mắt là nghỉ học, nhưng chẳng mấy nữa Xa sẽ bị gả đi lấy chồng mất! Chắc chắn là Xa không muốn phải lấy chồng và làm chủ gia đình khi tuổi còn quá nhỏ như mẹ, bà và nhiều chị em khác trong bản. Xa chỉ biết khóc và giải toả nỗi niềm cùng chị gái mỗi khi hai chị em nói chuyện điện thoại mà thôi. Thương em, chị gợi ý Xa thử liên hệ với World Vision Việt Nam để tìm sự giúp đỡ.
“Cần cả một ngôi làng…”
Biết được thông tin này, Xa cảm thấy em vẫn còn có một cơ hội, dù mong manh, để thay đổi cuộc đời của chính mình. Vậy nên Xa đã lấy can đảm và liên hệ với nhân viên của World Vision Việt Nam.
Sau khi nhận được thông tin, nhân viên World Vision Việt Nam và đại diện Ban bảo vệ Trẻ em đã cùng đến thăm nhà Xa. Chú Sáng, cán bộ của Chương trình Bảo trợ, thuyết phục bố Xa: “Xa không giống những trường hợp phải nghỉ học để phụ giúp gia đình khác. Cháu nó có ước mơ, và quan trọng hơn cả là Xa muốn được đi học và thích học. Cháu có những tố chất để có thể đi xa nếu được học hành tới nơi tới chốn. Khi cháu Xa vào được đại học rồi ra trường làm việc, anh sẽ thấy quyết định cho cháu đi học tiếp đích đáng hơn nhiều so với việc bắt cháu bỏ học đi làm nương rẫy như bây giờ”.
Nhờ chú Sáng kiên nhẫn thuyết phục, bố đã cho phép Xa được quay lại trường học.
Nhờ những hỗ trợ của World Vision Việt Nam, Xa đã có thể quay lại trường học
Đường từ nhà tới trường của Xa là con đường đất kéo dài 10 km, mỗi lần trời đổ mưa là lại ngập trong bùn lầy. Nếu đi bộ cũng phải mất cả ngày trời nên để được đi học, Xa phải thuê trọ nhà bạn và chỉ trở về nhà vào ngày cuối tuần để phụ giúp bố việc nhà. Dù vất vả nhưng chỉ cần được tiếp tục đi học là Xa vui rồi.
Những can thiệp của World Vision Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Xa đã được đăng ký tham gia Chương trình Bảo trợ của World Vision. Tiền trọ và một phần phí sinh hoạt của em được Chương trình hỗ trợ, và để cải thiện điều kiện sống và học tập của trẻ bảo trợ, World Vision Việt Nam còn hỗ trợ gia đình Xa gà giống và tập huấn các kiến thức chăn nuôi để phát triển kinh tế.
“…Và một cô bé mạnh mẽ, dám thay đổi…”
Đối với Xa, việc được trở lại trường học và tham gia Chương trình Bảo trợ là bước ngoặt lớn nhất của em. Tham gia Chương trình, Xa là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Trẻ em. Em được các anh chị phụ trách hướng dẫn về những kỹ năng sống quan trọng, đặc biệt là các kiến thức để phòng tránh bạo lực và tai nạn thương tích đối với trẻ em. Khi được tìm hiểu về những tác động tiêu cực của tảo hôn và kết hôn cận huyết, Xa càng thấy vững vàng hơn với quyết tâm tiếp tục theo đuổi việc học của mình.
Nhờ những kỹ năng học được từ các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, Xa (thứ 4, từ trái sang phải) trở nên tích cực và độc lập hơn.
Trong các bài học, Xa ấn tượng mãi về phương pháp đưa ra quyết định. Giờ mỗi khi gặp vấn đề, Xa biết phải tự hỏi bản thân những câu hỏi nào, tìm kiếm sự hỗ trợ từ ai, và làm thế nào để cân nhắc các lựa chọn. Nhờ những kỹ năng học được từ các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, Xa trở nên tích cực và độc lập hơn. Từ một cô bé luôn cảm thấy bất lực trước tương lai của mình, giờ Xa có thể chia sẻ trước các già làng và những em nhỏ khác, đặc biệt là các em gái, về câu chuyện của mình và tầm quan trọng của việc học. Có lẽ một mình Xa khó thể thay đổi suy nghĩ của cả bản làng, nhưng với thời gian và thêm những “Xa khác”, cuộc sống của trẻ em gái tại bản của em sẽ dần tốt đẹp hơn.
“Ước mơ của em là trở thành một sỹ quan công an và làm việc cùng các cơ quan để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Em muốn tất cả trẻ em đều được đi học và phát triển bản thân”, Xa kết thúc câu chuyện của mình.
Từ một cô bé luôn cảm thấy bất lực trước tương lai của mình, giờ Xa có thể chia sẻ trước các già làng và những em nhỏ khác về câu chuyện của mình và tầm quan trọng của việc học.
Tại Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái trong các cộng đồng dân tộc thiểu số thường xuyên phải đối mặt với bạo lực, xâm hại và các vấn đề về bất bình đẳng giới. Nghèo đói và những suy nghĩ, hủ tục ăn sâu vào nhận thức của nhiều thế hệ đã buộc hàng ngàn trẻ em gái phải kết hôn sớm, đẩy các em vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói - thất học - tảo hôn. World Vision Việt Nam đã và đang nỗ lực trao quyền cho phụ nữ và những em gái như Xa để họ có thể tiếp tục theo đuổi tri thức và thực hiện ước mơ của mình.