Mỗi buổi chiều đi học về, Nhi lại cất cặp sách và nhanh chóng ra sau vườn phụ mẹ làm cỏ, tưới tắm cho vườn rau của gia đình. Nhờ bàn tay chăm sóc kỹ lưỡng của Nhi, vườn rau lên nhanh và xanh mởn, chẳng mấy khi bị sâu bệnh cắn phá.

 

Vườn rau là một trong những can thiệp sinh kế của World Vision Việt Nam nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và dinh dưỡng của trẻ em trong Chương trình Bảo trợ như Nhi.

 

Muôn vàn thách thức đối với gia đình trẻ

 

Tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, bố mẹ thường đã tính tới chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái từ rất sớm – khi các con mới chỉ 17, 18 tuổi. Vậy nên, mẹ của Nhi, chị Nhung, cũng nghe lời cha mẹ bỏ học để ở nhà phụ giúp gia đình và lấy chồng khi chị chưa tròn 18 tuổi.

 

Lập gia đình khi bản thân chưa sẵn sàng, chị Nhung cảm thấy cuộc sống nhiều lúc ngột ngạt, nhất là khi chị chỉ quanh quẩn ở nhà sau khi sinh con. Cả chị và chồng, anh Hượng, phải bắt đầu cuộc sống gia đình khi mới chỉ vừa rời ghế nhà trường và kinh nghiệm sống còn nhiều non nớt. Vì chưa có kiến thức làm kinh tế, chị Nhung và anh Hượng chỉ biết dựa vào làm nông, làm thuê để cố gắng lo được bữa ăn có thịt, cá cho bé Nhi. Gánh nặng tiền bạc, phải chăm sóc con nhỏ khi chính mình chưa đủ trưởng thành, hiểu biết và thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc nên đôi vợ chồng trẻ thường xuyên cãi vã.

 

“Từ khi trở thành trẻ bảo trợ, gia đình cháu đã có rất nhiều thay đổi.”

 

Trở thành trẻ bảo trợ của World Vision từ năm 2019, cuộc sống của Nhi và gia đình bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực. Về phía Nhi, em được kết nối với một “người bạn” đặc biệt – nhà bảo trợ của em từ nước Úc. Qua những lá thư trao đổi, Nhi biết được rằng ở phía Nam bán cầu, ba tháng mùa hè nóng nhất là tháng Mười hai tới Tháng Hai, chuột túi là biểu tượng của đất nước Úc, ở Úc cũng có nhiều bạn trẻ Việt Nam sang du học. Đổi lại, em kể với bác bảo trợ về cuộc sống của mình: về chuyện trường lớp, sở thích hay các buổi sinh hoạt của em tại Câu lạc bộ Trẻ em. Từ chính những câu chuyện đời thường như vậy, Nhi dần cảm thấy bác bảo trợ như một người bạn của mình, và đất nước Úc đã trở thành một điều gì đó rất thân thương đối với em. Vì vậy, Nhi tự nhủ cần học tập thật tốt để một ngày nào đó có thể đến thăm nước Úc và gặp được người bảo trợ của mình. “Từ khi trở thành trẻ bảo trợ, cháu được trao đổi thư và nhận thiệp từ nhà bảo trợ hàng năm. Mỗi khi nhận thư của bác, cháu đều cảm thấy được quan tâm và lắng nghe, và cháu lấy đó làm động lực để học tập tốt hơn. Cháu rất tự hào khi mình có một người bạn nước ngoài để hiểu biết hơn về cuộc sống và con người ở Úc”, Nhi bẽn lẽn chia sẻ.

 

Bên cạnh những tác động tích cực và trực tiếp lên cuộc sống của trẻ bảo trợ, những can thiệp lồng ghép của World Vision Việt Nam trang bị kiến thức và kỹ năng cho các bậc cha mẹ để họ chăm sóc và nuôi dạy trẻ tốt hơn. Cụ thể, mỗi tháng một lần, chị Nhung và anh Hượng cùng sinh hoạt tại Câu lạc bộ Gia đình Toàn mỹ và tham gia khoá tập huấn về Kỷ luật Tích cực thuộc chương trình Bảo vệ Trẻ em của World Vision Việt Nam. Qua các buổi tập huấn, anh chị hiểu rằng đòn roi không phải là yêu thương, và mỗi thành viên trong gia đình cần phải học cách giao tiếp, lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của nhau để nuôi dưỡng sự tin tưởng và thắt chặt sợi dây kết nối.

 

Bên cạnh các khoá tập huấn kỹ năng về nuôi dạy trẻ, World Vision Việt Nam còn hỗ trợ gia đình Nhi cải thiện điều kiện sinh kế thông qua việc áp dụng các phương thức chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả, như mô hình chăn nuôi gà và trồng rau thân thiện với môi trường . Dần dần khi công việc chăn nuôi bắt đầu ổn định, những bữa ăn của gia đình cũng đầy đặn và đa dạng hơn để chị em Nhi có đủ chất dinh dưỡng và phát triển khoẻ mạnh. Nhi vẫn nhớ rất rõ, một lần khi em đang cùng mẹ cho đàn gà ăn, mẹ bỗng trầm ngâm và nói khẽ: “Giờ nhà có gà với trứng rồi, mẹ không phải lo thức ăn cho hai đứa nữa.”  

 

Nhi và Huy cùng mẹ cho đàn gà ăn. Chị Nhung hay nói:

“Nhờ có Nhi chăm sóc, đàn gà lớn nhanh, không bệnh tật gì.”

 

Gia đình yêu thương - Nền tảng vững vàng

 

Sau ba năm tham gia vào các hoạt động của World Vision Việt Nam, Nhi hiện đã là một học sinh THCS hoạt bát, hoà đồng. Nhờ những gì thu nhận được từ các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Trẻ em, em được học các kỹ năng sống quan trọng để tự tin chia sẻ ý kiến trước đám đông hay tự bảo vệ bản thân và bạn bè khỏi những nguy cơ bị bạo lực. Em háo hức đón nhận những kiến thức và cơ hội để trau dồi kỹ năng mới. Chẳng hạn như khi World Vision Việt Nam tổ chức lớp học bơi mùa hè vừa rồi, chiều nào Nhi cũng có mặt đúng giờ nơi bờ suối đầu thôn để được các anh chị cộng tác viên hướng dẫn cách bơi sao cho đúng và an toàn. Khi ngày càng nhiều trẻ em được học bơi như như Nhi, tình trạng đuối nước - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ em tại Việt Nam – sẽ được cải thiện.

 

Ở nhà, cuộc sống của gia đình Nhi cũng đã ổn định hơn. Qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình Toàn Mỹ, chị Nhung và anh Hượng đã học được cách lắng nghe và chia sẻ cùng nhau. Những cuộc cãi vã, to tiếng ít dần, anh chị cố gắng để trao đổi bình tĩnh và không sử dụng đòn roi khi nuôi dạy con cái nữa. Áp dụng các bài học về kết nối cảm xúc, dù bận rộn nhưng chị Nhung vẫn cố gắng cùng hai con làm các công việc nhà đơn giản như cho gà ăn hay làm vườn để mẹ con có cơ hội trò chuyện, tâm sự với nhau nhiều hơn. Cuối tuần, ba mẹ con lại chơi bóng chuyền và đọc sách cùng nhau. Nhi thích những ngày cuối tuần như vậy lắm vì em có thể thư giãn cùng mẹ và em trai sau một tuần học bận rộn. “Nhờ có mẹ ngồi đọc sách cùng, em thấy thích đọc và có động lực học hơn”, Nhi kể lại.

 

Nhi rất thích ngồi đọc sách cùng mẹ. Nhờ thói quen này, em thích đọc sách và có cảm hứng học tập hơn.

 

Nhìn gia đình của mình quây quần, anh Hượng tự hào chia sẻ: “Từ khi Nhi tham gia vào các chương trình của World Vision Việt Nam, gia đình tôi đã có nhiều thay đổi. Con cái ngoan ngoãn, mạnh dạn, và tự tin. Nhờ những buổi sinh hoạt “Gia đình Toàn mỹ”, vợ chồng chúng tôi cũng cũng biết cách nuôi dạy con cái đúng cách hơn, chia sẻ và quan tâm đến nhau hơn, từ đó, nuôi dưỡng sợi dây kết nối bền chặt giữa các thành viên, để gia đình luôn là nơi mỗi người đều cảm thấy an toàn, tin cậy và thương yêu.”

0.57294 sec| 2235.563 kb