“Tôi vẫn còn nhớ khi cơn bão số 09 đổ bộ, mái tôn bị thổi bay hết, nhà cửa thì xiêu vẹo. Lúc đó tôi không chuẩn bị được gì hết, chỉ kịp lo để bản thân và gia đình thoát khỏi nguy hiểm trước, rồi sau đó còn gì thì sẽ quay lại khắc phục thôi” – cô Hường kể lại.

 

Như cô Hường, nhiều người dân tại huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn nhớ sức tàn phá kinh hoàng của cơn bão số 9 – Bão Molave - khi đi qua các tỉnh miền Trung vào tháng 10 năm 2020.

 

Vùng đất nhiều nắng và gió

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh miền Trung phải liên tục hứng chịu các đợt bão lũ và hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra thiệt hại về người và của lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chỉ trong đợt lũ lịch sử năm 2020, có tới 13 cơn bão đã nối tiếp nhau đổ bộ vào địa phương này. Riêng tại huyện Minh Long, Bão Molave đã làm tốc mái 956 ngôi nhà và phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng, ước tính thiệt hại lên đến 140 tỷ đồng.

 

“Trước đây, mỗi lần bão tới, mấy mẹ con em lại phải ra chuồng gà ngủ vì chỉ có chỗ đó mới đảm bảo an toàn, chứ nhà cửa hồi đó lụp xụp lắm,” Lâm nhớ lại. Là một trong những hộ nghèo của huyện Long Sơn, Lâm, Tuấn và hai con nhỏ cùng trú trong căn lán dựng tạm từ hồi hai anh chị mới kết hôn. Vì không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh, Lâm và Tuấn không dám mơ tới việc sửa sang, gia cố lại căn nhà dù mỗi lần bão về, chỉ cần một cơn gió to cũng khiến ngôi nhà rung lên từng chập.

 

Ngày trước, mỗi khi mưa bão, vợ chồng Tuấn và hai con nhỏ lại phải “sơ tán” ra chuồng gà để đảm bảo an toàn.

 

Trong những năm gần đây, huyện Minh Long chứng kiến ngày càng nhiều những hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như mưa bão kéo dài và hạn hán khắc nghiệt. Trong đợt khô hạn kéo dài hè năm 2020, hơn 1.350 ha đất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi buộc phải bỏ hoang vì thiếu nước, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh “ngồi không”. Vườn trà và mấy cây keo nhà cô Hường cũng chết dần vì khô hạn. Cô tự nhủ, “cố gắng cầm cự thêm chút nữa rôì đến mùa mưa tình hình sẽ khá hơn”. Nào ngờ, bão Molave đổ bộ và phá huỷ phần lớn khu vườn nhà cô Hường.

 

Ứng phó với biến đổi khí hậu trên mọi “mặt trận”

Thấu hiểu khó khăn do đặc điểm khí hậu và bối cảnh xã hội của địa phương mang lại, World Vision Việt Nam đã lồng ghép hoạt động hỗ trợ hướng tới giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chương trình và can thiệp của Tổ chức tại khu vực miền Trung. Thông qua nhiều nguồn tài trợ từ các đối tác quốc tế như Liên minh Cứu trợ Đức (ADH) và Liên minh cứu trợ Hà Lan (DRA), World Vision đã triển khai Chương trình Ứng phó khẩn cấp và Phục hồi sau lũ lụt, qua đó, cung cấp những viện trợ khẩn cấp như nhu yếu phẩm, nước sạch và nguyên vật liệu để người dân phục hồi và tái thiết cuộc sống sau lũ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Nam.

 

Tại huyện Minh Long, trong khuôn khổ những hoạt động phục hồi và nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai của World Vision Việt Nam, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như cô Hường và vợ chồng Lâm – Tuấn được hỗ trợ tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển sinh kế, giúp thích ứng hiệu quả với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cụ thể, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về hoa màu và tài sản trong các đợt mưa lũ, World Vision đã tiến hành tập huấn và hỗ trợ công cụ cho người dân, bao gồm con giống và cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt.

 

Để hạn chế thiệt hại hoa màu do thời tiết cực đoan, cô Hường quyết định áp dụng khuyến nghị của World Vision và chuyển đổi sang các giống cây trồng ngắn ngày và chống chịu hạn tốt hơn.

 

Trước những kiến thức và cách làm mới thu nhận được từ các khoá tập huấn, dù tiếc lắm nhưng cô Hường vẫn mạnh dạn phá 500 m2 đất vốn được sử dụng để trồng cây keo khi đó đã hơn một năm tuổi để tham gia mô hình trồng mít Thái của World Vision. Là giống cây chịu mưa, chịu hạn tốt nhờ hệ thống rễ sâu và được áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, vườn mít của cô Hường đã sinh trưởng tốt ngay cả trong những tháng ngày khô hạn nhất trong năm. Chỉ sau hơn một năm, cây mít Thái ngày nào đã bắt đầu cho ra trái và cung cấp nguồn thu nhập và thực phẩm bổ sung quanh năm cho gia đình cô Hường.

 

Với trường hợp của Lâm và Tuấn, World Vision Việt Nam đã nhanh chóng đánh giá tình hình và hỗ trợ nguyên vật liệu để giúp hai vợ chồng xây lại một căn nhà vững chãi hơn. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ gia đình có thêm nguồn lực tài chính để ứng phó với bão lũ, World Vision còn hỗ trợ gia đình Lâm - Tuấn con giống, vật liệu và tập huấn kỹ thuật để triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học. Nhờ phương pháp xử lý chất thải tự nhiên dựa vào vi sinh vật và việc tiêm vắc xin định kỳ, 95% số con trong đàn gà của vợ chồng Tuấn, cũng như gà của hơn 300 hộ dân tham gia mô hình, sống sót ngay cả trong thời điểm dịch bệnh tràn lan sau khi lũ rút. Quan trọng hơn cả, vì được cho ăn theo nhu cầu cả ngày và đêm, gà chăn nuôi theo mô hình của World Vision lớn nhanh và đạt tiêu chuẩn xuất chuồng chỉ sau 3 tháng – một yếu tố then chốt đối với những người dân luôn phải canh cánh nỗi lo “chạy lũ”.

 

Giờ có căn nhà gạch vững chãi, gia đình Tuần có thể an tâm sinh hoạt trong nhà trong mùa mưa bão.

 

“Nhờ có hỗ trợ của Tầm nhìn, gia đình em đã có chỗ ăn, chỗ ngủ kiên cố. Từ đàn gà được hỗ trợ, hai vợ chồng em cũng có thêm tiền để lo cho con cái ăn học, mua sách vở đầy đủ và chăm sóc sức khoẻ cho các con tốt hơn” – Lâm chia sẻ. Căn nhà gạch cấp 4 mới được trát bê tông và chưa có nhiều đồ đạc, nhưng Lâm vui lắm vì giờ ba mẹ con có thể an tâm trú trong nhà mỗi khi mưa gió.

 

Tăng cường sự chuẩn bị và khả năng chống chịu của cộng đồng

Bên cạnh những hỗ trợ về cứu trợ khẩn cấp và phục hồi, World Vision Việt Nam cũng chú trọng tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó của cộng đồng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, Tổ chức đã phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền và các đối tác tại huyện Minh Long để xây dựng các đội phản ứng nhanh tại địa phương. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác tổ chức và điều phối các hoạt động ứng phó khẩn cấp tại các xã dự án.

 

Trẻ em tham gia các chương trình của World Vision Việt Nam được tập huấn thường xuyên về phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai thông qua các hoạt động lồng ghép trong chương trình học và sinh hoạt Câu lạc bộ Trẻ em.

 

Ngoài ra, phương pháp tiếp cận toàn diện của World Vision cũng hướng tới thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong công tác phòng chống thiên tai. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các em sẽ sớm đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó - giảm thiểu rủi ro thiên tai một cách bền vững tại địa phương. Vì vậy, trong năm năm vừa qua, World Vision Việt Nam đã tổ chức tập huấn thường xuyên về chủ đề chuẩn bị và ứng phó với thiên tai cho 1.227 trẻ em từ 30 Câu lạc bộ Trẻ em trên khắp địa bàn huyện Minh Long.

 

Bên cạnh đó, World Vision Việt Nam còn kết hợp hoạt động truyền thông về phòng chống thiên tai vào Mô hình Thăm hộ để những gia đình có trẻ nhỏ như cô Hường và Lâm - Tuấn kịp thời cập nhật thông tin và chuẩn bị kế hoạch ứng phó mỗi khi có dấu hiện thời tiết cực đoan.

 

“Được Tầm nhìn hỗ trợ và tập huấn, giờ gia đình tôi đã biết chuẩn bị thuốc men, thực phẩm, rào chắn nhà cửa và cây cối trước khi bão về. Tôi còn có thêm kiến thức để phổ biến cho con, cho cháu nữa. Bây giờ trước mỗi mùa mưa bão là tôi không còn phải sợ hãi hay lo lắng quá nữa, tôi vui lắm” – cô Hường phấn khởi chia sẻ.

 

Cán bộ vãng gia của World Vision Việt Nam thực hiện các chuyến thăm định và hỗ trợ gia đình cô Hường áp dụng các biện pháp phòng chống thiên tai.

 

“Nhờ sự nỗ lực của cả cộng đồng mà trong sáu năm qua, huyện Minh Long không có thiệt hại nào về người do thiên tai gây ra. Các thiệt hại về nhà cửa, hoa màu cũng đã giảm đến mức thấp nhất”, ông Nguyễn Minh Chí, Quyền Quản lý Chương trình Vùng Minh Long, World Vision Việt Nam, nhận định.

 

Trong những năm qua, các tỉnh miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhằm góp phần giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu, World Vision Việt Nam đã và đang phối hợp cùng đối tác trong nước và quốc tế trong công tác triển khai các chương trình cứu trợ khẩn cấp, phục hồi, tập huấn nâng cao năng lực và phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh của trẻ em và cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

 

 

0.04069 sec| 2263.961 kb