Tình trạng sử dụng nước của các hộ gia đình tại Tủa Chùa
Chị Điêu Thị Thanh và ba con trai sống trong căn nhà đơn sơ ở vùng núi cao của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Ba con chị năm nay lên 8, 10 và 13 tuổi, trong đó cậu con trai thứ là trẻ khuyết tật. Hiện 2/3 cháu đang nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Bảo trợ của World Vision Quốc tế tại Việt Nam.
Từ năm 2016 trở về trước, nguồn nước duy nhất của gia đình phải lấy từ dòng khe trên núi dẫn qua đường ống dài 4km tới nhà. Vào mùa khô, mực nước xuống thấp, việc khan hiếm nước là nỗi lo lớn của gia đình chị Thanh. Mùa mưa, nguồn nước không có hệ thống lọc bị nhiễm thêm nhiều tạp chất và trở nên đục ngầu, khiến sức khỏe gia đình bị ảnh hưởng. Mưa lớn còn khiến đường ống thường xuyên bị tắc do rác bít lại từ phía thượng nguồn, thậm chí đường ống có khi bị nước lũ cuốn phăng.
Bể chứa nước tại nhà và cộng đồng trước đây.
“Những ngày đường ống hỏng, tôi phải gánh nước trong can nhựa từ các làng lân cận về nấu ăn. Ngày thường cũng khổ lắm vì nước thì ít lại ô nhiễm, nên cả nhà thường xuyên bị đau mắt, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa…”, chị Thanh chia sẻ.
Gia đình chị Thanh là một trong số hơn 4000 hộ dân tại Tủa Chùa phải chịu cảnh thiếu nước sạch nhiều năm qua.
Những đổi thay tích cực
Trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 11 năm 2023, World Vision Quốc tế tại Việt Nam và Tập đoàn 3M triển khai dự án “Nước sạch cho người dân huyện Tủa Chùa” tại 4 xã Tủa Thàng, Xá Nhè, Mường Báng và Sính Phình. Dự án với ngân sách gần 1,17 tỉ đồng (tương đương 50.000 USD) hướng tới mục tiêu cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, bao gồm những trẻ dễ bị tổn thương nhất ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Chị Thanh cùng người dân các xã dự án đã tham gia lắp đặt bể nước chung của thôn, thay thế, đấu nối đường ống nước mới từ bể đến các hộ gia đình để mang đến cho mọi người nguồn nước sạch, an toàn cho sức khỏe.
Chị Thanh kiểm tra hệ thống lọc nước và đường ống dẫn nước tại nhà do dự án “Nước sạch cho người dân huyện Tủa Chùa” hỗ trợ.
Chị Thanh chăm sóc mảnh vườn nhỏ của gia đình với nguồn nước an toàn.
Cán bộ World Vision Quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ kiểm tra hệ thống lọc nước tại hộ gia đình.
Ngoài ra, chị còn tham gia các khóa đào tạo do Trung tâm Y tế huyện và World Vision Quốc tế tại Việt Nam tổ chức. “Tôi đã học được những cách xử lý nước và trữ nước an toàn tại nhà bằng các phương pháp đơn giản, không tốn kém. Gia đình tôi giờ đây không còn mắc nhiều bệnh như trước nữa”, chị Thanh phấn khởi. “Tôi sẽ chia sẻ với người thân và những người dân trong thôn để mọi người, đặc biệt là trẻ em được tiếp cận nguồn nước an toàn và có sức khỏe tốt.”
Gia đình chị Thanh là một trong những hộ đầu tiên áp dụng mô hình lọc nước sinh hoạt do dự án hỗ trợ. Chị cũng tham gia các buổi đào tạo về Vệ sinh Tổng thể dựa vào Cộng đồng, một mô hình toàn diện của World Vision về Nước sạch và Vệ sinh môi trường (WASH), vệ sinh cá nhân và chăm sóc trẻ em.
““World Vision Quốc tế tại Việt Nam và Tập đoàn 3M đã và đang có những hoạt động hỗ trợ quý báu cho địa phương, không chỉ xây dựng bể chứa nước cho cộng đồng mà còn trong việc truyền thông thay đổi hành vi về cung cấp, xử lý và tích trữ nước an toàn ở cấp độ cộng đồng và hộ gia đình. Những hoạt động này góp phần giúp địa phương đạt được các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt theo nhóm tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường” – chia sẻ của ông Lò Văn Phanh – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa.
Dự án “Nước sạch cho người dân huyện Tủa Chùa” do Tập đoàn 3M tài trợ, là một phần trong chương trình Sức khoẻ và Dinh dưỡng của World Vision Quốc tế tại Việt Nam. Dự án áp dụng cách tiếp cận dựa vào cộng đồng để thực hiện hai mục tiêu chính: xây dựng 7 bể lọc nước cộng đồng và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước an toàn, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của nước sạch với cuộc sống.
Bể nước được cộng đồng chung tay xây dựng.
Sau một năm triển khai tại 4 xã mục tiêu, dự án đã hỗ trợ 900 hộ gia đình tiếp cận nguồn nước sạch, và 48 buổi truyền thông thay đổi hành vi cấp thôn về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước an toàn, quản lý/vận hành và bảo trì hệ thống cấp nước dựa vào cộng đồng đã được tổ chức tại huyện Tủa Chùa, với hơn 1266 đại diện hộ gia đình tham gia.