Nhìn vào căn nhà cấp bốn đẹp và khang trang với sân gạch đỏ, bao quanh là khu vực chuồng gà, dê, lợn, không ai hình dung rằng gia đình chị Nguyệt - chủ nhân ngôi nhà, từng là hộ nghèo của xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. 


 

Ngôi nhà là thành quả lao động của gia đình chị Nguyệt sau nhiều năm. Trở lại quãng thời gian năm 2012, khi thu nhập của gia đình hoàn toàn dựa vào khoản tiền công đi làm thuê ít ỏi của chị Nguyệt và chồng, để có một bữa ăn tươm tất cho cả gia đình hàng ngày là cả một sự cố gắng. Tuy nhiên, đó không phải là thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt. Một tai nạn lao động bất ngờ khiến chồng chị mất nhiều tháng trời để hồi phục sức khỏe và khả năng lao động. Không lâu sau, chính chị Nguyệt nhận được tin mình mắc bệnh sỏi mật. Khó khăn chồng chất khó khăn.

 

Sự hỗ trợ của World Vision đến với gia đình chị Nguyệt vào thời điểm Việt – cậu con trai thứ hai của chị được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng. 18 tháng tuổi, Việt nặng 9kg trong khi cân nặng tối thiểu ở độ tuổi là 10,2kg. Nghĩ lại, chị Nguyệt tâm sự rằng đó là thời điểm đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình mình.

 

Trong khuôn khổ Dự án Gift Catalog bắt đầu từ năm 2014, chị Nguyệt cùng với hơn 300 gia đình khác ở huyện Hải Lăng đã tham gia chương trình nuôi gà một ngày tuổi. Khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra nghi ngại vì nuôi gà một ngày tuổi có mức độ rủi ro quá cao với tỉ lệ chết là 99% nếu không có kỹ thuật chăn nuôi phù hợp. Ấy vậy mà sự lo lắng nhanh chóng tan biến sau sáu buổi tập huấn do Chương trình Vùng Hải Lăng tổ chức về kỹ thuật chăn nuôi gà từ 1 đến 21 ngày tuổi. Các gia đình tham gia dự án đều nuôi gà thành công và mở rộng đàn với tỷ lệ sống đạt 95%.

 

“Cán bộ thú y xã đến thăm gia đình tôi nhưng cũng không phải hướng dẫn thêm gì, vì đàn gà lớn lên khỏe mạnh và tôi đã được học những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe đàn gà”, chị Nguyệt hài hước cho biết.

 

Chị kể thêm: “Đàn gà đẻ nhiều trứng đến nỗi tôi có thể thu hoạch và bán trứng để trang trải cuộc sống hàng ngày, còn tiền bán gà thì dùng để tái đàn và chăn nuôi dê, lợn”. Chỉ riêng việc bán trứng, gia đình chị Nguyệt đã thu được 200.000 đồng mỗi ngày.


 

“Con thích ăn trứng chiên nhất”. Việt rất thích thú và hào hứng khi liên tục nhặt những quả trứng gà mới đẻ. Được ăn thịt gà trước kia là điều xa xỉ đối với gia đình em thì nay bữa ăn luôn có trứng, thịt gà nhà nuôi hoặc thịt bò, heo được mua ở chợ.

 

Từ một cậu bé suy dinh dưỡng, nhờ bữa ăn được cải thiện và việc tham gia câu lạc bộ dinh dưỡng của chị Nguyệt, Việt nay thậm chí cao lớn hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Tình trạng sức khoẻ được cải thiện kéo theo thành tích học tập của em với những giải thưởng học tập môn toán và tiếng anh. Việt sống lạc quan, khoẻ mạnh và thường xuyên viết thư cho nhà bảo trợ của mình là cô Tracy. Việt chia sẻ những món quà là những hình dán được nhà bảo trợ tặng với em gái của mình - Tuyền - cũng là trẻ bảo trợ trong chương trình của World Vision. 


 

Chị Nguyệt cảm thấy đã lựa chọn đúng đắn khi tham gia sớm và đầy đủ các chương trình hỗ trợ của World Vision, chị rạng rỡ chia sẻ “Tôi rất tự hào về việc nuôi dạy con cái và làm kinh tế của gia đình tôi".

 

Chị cũng lên kế hoạch mở rộng đàn gà vì đã nắm đầy đủ kĩ thuật chăn nuôi, đồng thời có thể hiểu thị trường, có kiến thức lập kế hoạch kinh doanh, quảng bá sản phẩm qua các buổi tập huấn của World Vision, qua đó đảm bảo đầu ra ổn định và giá bán tốt.


 

“Chương trình Gift Catalog giúp các gia đình xây dựng sinh kế bền vững, từ thoát nghèo chuyển sang mục tiêu làm giàu. Tầm nhìn đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của hộ gia đình, của trẻ. Kinh tế toàn xã tăng lên với tỉ lệ hộ nghèo cũng như trẻ suy dinh dưỡng giảm”. – Chị Thái Thị Thuý Loan - chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Quy chia sẻ.

0.03694 sec| 2156.898 kb