Năm nay, thư mừng Giáng sinh của hai bác Jo và John, nhà bảo trợ người Úc của Chư, đến sớm hơn mọi năm. Tấm thiệp cam xinh xắn khiến Chư vui cả ngày và sớm được em cho “gia nhập” kho tàng xếp ngay ngắn trên góc học tập: những quyển sách tranh in giấy bóng láng, ống nhòm khám phá trông “rất ngầu” cho đến những hộp sáp màu sặc sỡ. Mỗi khi nhìn ngắm những món quà này, Chư lại nghĩ đến bác Jo và John - những người bạn đặc biệt luôn sẵn sàng chia sẻ và động viên em trong nhiều năm qua.
Chư (13 tuổi) - trẻ bảo trợ của World Vision Việt Nam tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên – “khoe” tấm thiệp em mới nhận được từ bác Jo và John, người bảo trợ của em từ Úc.
“Cứ đến mùa thu hoạch, tôi lại phải cho con nghỉ học ở nhà”
Là một hộ nghèo của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cả gia đình tám người nhà Chư chỉ trông cậy vào thu nhập ít ỏi từ công việc nương rẫy và đi rừng. Cuộc sống vùng cao khắc nghiệt, mỗi lần thời tiết thất thường khiến mùa màng thất bát, bố mẹ Chư lại lao đao để lo cái ăn cho cả nhà. Hàng ngày, khi bố mẹ lên nương từ sáng sớm tới khi tối mịt mới về, sáu chị em Chư lại tự chăm sóc, bảo ban nhau.
“Ngày xưa khi các con còn nhỏ, mỗi khi muốn đến trường là vợ chồng tôi đều phải địu các con đi hơn 6km rồi đến xế chiều lại đi đón về. Hồi đó nhà trường chưa có ăn bán trú nên hôm nào bận đi làm nương hay đến mùa thu hoạch, tôi lại phải cho các con nghỉ học ở nhà”, chị Pàng, mẹ Chư, nhớ lại. Bình thường, việc kết bạn đã không dễ dàng gì khi đi học bữa được, bữa mất, nhưng đối với Chư, đây còn là một thách thức lớn hơn với điều kiện sức khoẻ của em: Chư bị dị tật cột sống bẩm sinh khiến em không thể đứng thẳng hay đi lại bình thường được. Khi bạn bè vô tư nô đùa bên ngoài, Chư thường chỉ ngồi một góc và nhìn theo với ánh mắt đầy ngưỡng mộ và ao ước.
Khi thương yêu đến từ những người xa lạ
Và rồi, World Vision Việt Nam đã đến với bản của Chư. Khi biết được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình em, Tổ chức đã đưa hai chị của Chư vào Chương trình Bảo trợ, và ba năm sau đó, Chư cũng trở thành trẻ bảo trợ. Thông qua phương pháp tiếp cận toàn diện hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh cho trẻ bảo trợ, gia đình Chư và những hộ có thu nhập thấp khác trong bản được khuyến khích tham gia các hoạt động phát triển sinh kế và dinh dưỡng – sức khoẻ của World Vision Việt Nam, chẳng hạn như mô hình chăn nuôi heo bền vững, nhóm Tiết kiệm chuyển hoá và các buổi tập huấn về nước sạch - vệ sinh môi trường.
Thay đổi lớn nhất đối với Chư và các chị có lẽ chính là việc được tiếp tục đến trường. Dưới sự hỗ trợ của World Vision Việt Nam, các học sinh nhà xa tại trường bản như chị em Chư đã được hỗ trợ học bán trú: ăn uống, nghỉ ngơi tại trường. Nhờ vậy mà việc học của mấy chị em đã không còn bị gián đoạn mỗi khi vào mùa thu hoạch nữa.
Chư (6 tuổi, thứ 2 từ trái qua phải) chụp cùng bố mẹ và chị gái. Nhờ những hỗ trợ của World Vision Việt Nam, trường của bản Chư đã có học bán trú, nhờ vậy mà Chư và các chị có thể tiếp tục đi học.
Thông qua Chương trình Bảo trợ, Chư và các chị cũng được kết nối với hai người bạn “đặc biệt” – những nhà bảo trợ từ nước Úc xa xôi. Từ năm 2013, hai bác Jo và John đã luôn đồng hành và hỗ trợ chị em Chư. Năm nào hai bác cũng gửi cho Chư rất nhiều quà: nào là sách ảnh, ống nhòm, bút chì màu,… Những món quà này là nguồn động viên không nhỏ để Chư cố gắng học tập, mong một ngày được bước ra khỏi làng quê và khám phá thế giới theo cách riêng của mình.
“Mặc dù ở xa như vậy, bác Jo và bác John thường viết thư và kể cho em về cuộc sống ở nước Úc. Em luôn giữ gìn cẩn thận những món quà của các bác. Chúng nhắc nhở em về những quan tâm, tình cảm và hy vọng mà hai bác dành cho em. Em mong một ngày được đi tới nước Úc để gặp mặt hai bác”, Chư chia sẻ. “Mới đây thôi, em nhận được tấm thiệp Giáng sinh rất đẹp từ hai bác. Hàng năm, cứ tới gần tháng 12, em luôn mong chờ được mở thiệp, đọc những lời chúc ý nghĩa của hai bác rồi tưởng tượng về khung cảnh Lễ Giáng sinh nơi hai bác sẽ quây quần cùng gia đình”, Chư vừa nói vừa chỉ vào tấm thiệp mới được bày ngay ngắn trên góc bàn.
Nỗ lực bền bỉ
Thấm thoát đã hơn 10 năm từ khi gia đình Chư bắt đầu tham gia các chương trình của World Vision Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, gia đình em đã có nhiều thay đổi tích cực. Khi tham gia nhóm đồng sở thích chăn nuôi của World Vision Việt Nam và được tập huấn phát triển chăn nuôi bền vững, vợ chồng chị Pàng nhận được một khoản vốn nhỏ để chăn nuôi gà. Song song với đó, là thành viên nhóm Tiết kiệm của bản, chị Pàng cũng được cho vay vốn: từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi lần. Như nhiều chị em khác trong bản, chị Pàng thường dùng số tiền này để trang trải học phí cho các con, mua thức ăn cho gia đình, và thuốc thú y. Chính nhờ những khoản vay nhỏ từ nhóm Tiết kiệm như thế này mà các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình chị Pàng – cháu Chư có thể tiếp cận nguồn tiền kịp thời để đảm bảo cuộc sống, phát triển kinh tế và trả lãi theo đúng thời hạn.
Chư (bên phải) cùng chơi đùa với em trai sau khi hoàn thành xong việc nhà.
Năm 2015, với số tiền tích luỹ từ năm năm chăn nuôi gà, bố mẹ Chư quyết định mạnh dạn đầu tư gần 3 triệu đồng – cả gia tài của đối với anh chị vào thời điểm đó – để mua heo nái với hy vọng có thể phát triển hơn nữa kinh tế gia đình. Sau ba lứa heo xuất chuồng cùng với hỗ trợ của World Vision, anh chị đã tiết kiệm đủ tiền để mua thêm một con bò sữa, nhờ vậy kinh tế của gia đình cũng dần vững vàng hơn. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Pàng phấn khởi kể: “Sau khi thu lại số tiền lãi từ việc bán gà, vịt, tôi lại đầu tư thêm vào chăn nuôi và có thêm nguồn thu nhập ổn định từ đàn lợn. Nhờ đó mà kinh tế gia đình cũng ổn định hơn, con cái được ăn uống đầy đủ. Từng bước, cuộc sống của chúng tôi đang dần tốt hơn. Chúng tôi giờ đã có tiền để lo cho các con đi học ổn định rồi”.
Khi điều kiện sống của gia đình dần được cải thiện, Chư và các chị có thể chuyên tâm hơn cho việc học và phát triển bản thân. Thông qua Chương trình Bảo trợ, các em tích cực tham gia vào các hoạt động của Câu lạc bộ Trẻ em, chẳng hạn như những buổi truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích hay các buổi chia sẻ về xác định ước mơ và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu. Ban đầu, Chư vẫn còn e dè bởi em sợ sẽ bị trêu chọc vì dáng đi của mình. Nhưng các bài học về nhận thức giá trị bản thân dần giúp Chư cảm thấy tự tin hơn, và hơn nữa, em thấy các bạn ở Câu lạc bộ cũng dễ thương đấy chứ. Sau một thời gian, Chư bắt đầu mong chờ đến những buổi sinh hoạt tiếp theo, và em đã dần mở lòng hơn để cùng chia sẻ và sinh hoạt cùng các bạn.
Sau giờ học, Chư lại tất bận giúp bố mẹ cho đàn gà ăn và chăm sóc cho vườn rau của gia đình.
Từ cậu bé bẽn lẽn hay núp sau lưng bố mẹ, Chư giờ đã là một học sinh THCS hoạt bát và là người anh lớn luôn yêu thương, chăm sóc các em. Sau giờ học, Chư thường giúp bố mẹ cho gà, heo ăn và chăm sóc vườn rau của gia đình. Cứ như vậy, mỗi buổi chiều em lại tất bật trong vườn để đảm bảo máng ăn được đổ đầy và vườn rau xanh tốt, sạch sâu bệnh.
Khi được hỏi về những thay đổi của mình và gia đình, Chư không ngần ngại chia sẻ: “Em thực sự rất vui khi được chọn tham gia Chương trình Bảo trợ của World Vision Việt Nam và nhất là được kết nối với bác Jo và bác John. Hai bác giống như những người bạn đặc biệt của em vậy. Em muốn gửi lời cảm ơn hai bác đã giúp các bạn nhỏ như em có thêm động lực và niềm vui trong cuộc sống. Nhân dịp Giáng sinh sắp tới, em chúc bác Jo và bác John sẽ luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và có một kỳ lễ vui vẻ và ấm áp bên gia đình.”